Language:
Tội vi phạm quy định về quản lý rừng (Điều 233)
30/05/2023
icon-zalo

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Luật sư Hà Thị Khuyên

Khách thể của Tội vi phạm quy định về quản lý rừng là trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý rừng. Đối tượng tác động của tội phạm này là tài nguyên rừng. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành của Tội vi phạm quy định về quản lý rừng quy định tại Điều 233 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của Tội vi phạm quy định về quản lý rừng phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt. Chỉ những người có chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý rừng mới có thể là chủ thể của tội phạm này. Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ. Người có quyền hạn có thể là người có hoặc không có chức vụ, nhưng được giao cho quyền hạn nhất định về lĩnh vực đó. Người có chức vụ, quyền hạn phải là người có trách nhiệm trong việc quản lý rừng, nhất là có thẩm quyền trong việc giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng,…  nếu họ không có trách nhiệm trong quản lý rừng thì cũng không thể là chủ thể của tội này được.

Khách thể của tội phạm:

Khách thể của Tội vi phạm quy định về quản lý rừng là trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý rừng. Đối tượng tác động của tội phạm này là tài nguyên rừng.

Mặt chủ quan của tội phạm:

Người phạm tội vi phạm quy định về quản lý rừng thực hiện hành vi của mình là do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình là vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý rừng gây hậu quả nghiêm trọng, mong muốn cho hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng bỏ mặc cho hậu quả xảy ra. Động cơ của người phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, nhưng chủ yếu vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.

Mặt khách quan của tội phạm:

Hành vi khách quan của tội phạm gồm hành vi lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện một trong những hành vi sau:

(1) Giao rừng, thu hồi rừng, cho thuê rừng trái pháp luật từ 20.000 mét vuông (m2) đến dưới 25.000 mét vuông (m2) đối với rừng sản xuất; từ 15.000 mét vuông (m2) đến dưới 20.000 mét vuông (m2) đối với rừng phòng hộ hoặc từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 15.000 mét vuông (m2) đối với rừng đặc dụng;

(2) Cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng trái pháp luật từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 12.500 mét vuông (m2) đối với rừng sản xuất; từ 7.500 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2) đối với rừng phòng hộ hoặc từ 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 7.500 mét vuông (m2) đối với rừng đặc dụng;

(3) Cho phép khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 232 của Bộ luật này;

(4) Giao rừng, thu hồi rừng, cho thuê rừng, cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng trái pháp luật hoặc cho phép khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật dưới mức quy định tại điểm a, điểm b khoản này và các điểm từ điểm a đến điểm l khoản 1 Điều 232 của Bộ luật này nhưng đã bị xử lý kỷ luật về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn là trường hợp người phạm tội có chức vụ, quyền hạn và đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để giao rừng, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng trái pháp luật.

Lạm dụng chức vụ, quyền hạn là người có chức vụ, quyền hạn nhưng đã vượt quá quyền hạn được giao để giao rừng, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng trái pháp luật.

Người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn có thể thực hiện một trong các hành vi như: giao rừng trái pháp luật; thu hồi rừng trái pháp luật; cho thuê rừng trái pháp luật; cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng trái pháp luật hoặc cho phép khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 232 của Bộ luật này.

Giao rừng là việc Nhà nước ban hành quyết định giao rừng để trao quyền sử dụng rừng cho đối tượng có nhu cầu sử dụng rừng. Quyền sử dụng rừng là quyền của chủ rừng được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ rừng.

Nhà nước cho thuê rừng là việc Nhà nước quyết định trao quyền sử dụng rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu sử dụng rừng thông qua hợp đồng cho thuê rừng.

Hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 232 Bộ luật Hình sự gồm những hành vi sau:

- Khai thác vận chuyển từ 1,5 mét khối (m3) đến dưới 03 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA hoặc gỗ có nguồn gốc từ nước ngoài thuộc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; từ 10 mét khối (m3) đến dưới 20 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA hoặc gỗ có nguồn gốc từ nước ngoài thuộc Phụ lục II Công Ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; từ 20 mét khối (m3) đến dưới 40 mét khối (m3) gỗ loài thực vật rừng thông thường;

- Khai thác, vận chuyển trái phép loài thực vật rừng ngoài gỗ trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 600.000.000 đồng;

- Khai thác, vận chuyển trái phép gỗ hoặc thực vật rừng ngoài gỗ có khối lượng hoặc trị giá dưới mức quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm 1 khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội chưa gây ra hậu quả tối thiểu theo quy định tại khoản 1 Điều 233 Bộ luật Hình sự thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng phải chịu xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Hình phạt:

- Khung 1: Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Khung 2: Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

- Khung 3: Phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

- Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Điều 233. Tội vi phạm quy định về quản lý rừng

1. Người nào lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Giao rừng, thu hồi rừng, cho thuê rừng trái pháp luật từ 20.000 mét vuông (m2) đến dưới 25.000 mét vuông (m2) đối với rừng sản xuất; từ 15.000 mét vuông (m2) đến dưới 20.000 mét vuông (m2) đối với rừng phòng hộ hoặc từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 15.000 mét vuông (m2) đối với rừng đặc dụng;

b) Cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng trái pháp luật từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 12.500 mét vuông (m2) đối với rừng sản xuất; từ 7.500 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2) đối với rừng phòng hộ hoặc từ 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 7.500 mét vuông (m2) đối với rừng đặc dụng;

c) Cho phép khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 232 của Bộ luật này;

d) Giao rừng, thu hồi rừng, cho thuê rừng, cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng trái pháp luật hoặc cho phép khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật dưới mức quy định tại điểm a, điểm b khoản này và các điểm từ điểm a đến điểm l khoản 1 Điều 232 của Bộ luật này nhưng đã bị xử lý kỷ luật về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Giao rừng, thu hồi rừng, cho thuê rừng trái pháp luật từ 25.000 mét vuông (m2) đến dưới 40.000 mét vuông (m2) đối với rừng sản xuất; từ 20.000 mét vuông (m2) đến dưới 30.000 mét vuông (m2) đối với rừng phòng hộ hoặc từ 15.000 mét vuông (m2) đến dưới 25.000 mét vuông (m2) đối với rừng đặc dụng;

d) Cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng trái pháp luật từ 12.500 mét vuông (m2) đến dưới 17.000 mét vuông (m2) đối với rừng sản xuất; từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 15.000 mét vuông (m2) đối với rừng phòng hộ hoặc từ 7.500 mét vuông (m2) đến dưới 12.000 mét vuông (m2) đối với rừng đặc dụng;

đ) Cho phép khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm l khoản 2 Điều 232 của Bộ luật này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Giao rừng, thu hồi rừng, cho thuê rừng trái pháp luật 40.000 mét vuông (m2) trở lên đối với rừng sản xuất; 30.000 mét vuông (m2) trở lên đối với rừng phòng hộ hoặc 25.000 mét vuông (m2) trở lên đối với rừng đặc dụng;

b) Cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng trái pháp luật 17.000 mét vuông (m2) trở lên đối với rừng sản xuất; 15.000 mét vuông (m2) trở lên đối với rừng phòng hộ hoặc 12.000 mét vuông (m2) trở lên đối với rừng đặc dụng;

c) Cho phép khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 232 của Bộ luật này.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338