Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép xâm phạm đến hoạt động quản lý hành chính về lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành của Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép quy định tại Điều 347 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên. Chủ thể của tội phạm này không phải chủ thể đặc biệt. Bất kì ai cũng có thể trở thành chủ thể của tội vi phạm quy chế về khu vực biên giới. Họ có thể là người Việt Nam, người nước ngoài hoặc người không quốc tịch.
Khách thể của tội phạm:
Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép xâm phạm đến hoạt động quản lý hành chính về lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Mặt chủ quan của tội phạm:
Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý, có thể là cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi mình đang làm là xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc trốn ở lại Việt Nam trái phép những vẫn cố ý muốn thực hiện.
Động cơ, mục đích thì tuỳ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi người, có người vì đoàn tụ gia đình, có người vì chuyện làm ăn kinh tế, có người vì trốn tránh tội lỗi… nhưng nếu xuất cảnh trái phép vì mục đích chống lại Nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì hành vi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép cấu thành tội trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân quy định tại Điều 121 Bộ luật hình sự.
Mặt khách quan của tội phạm:
Điều 347 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định 02 tội danh đó là Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh và Tội ở lại Việt Nam trái phép.
(1) Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh:
Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi xuất cảnh và nhập cảnh trái phép theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của Công dân Việt Nam năm 2019.
Xuất cảnh là việc công dân Việt Nam ra khỏi lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam.
Nhập cảnh là việc công dân Việt Nam từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam.
Xuất cảnh trái phép là ra khỏi biên giới Việt Nam mà không có giấy phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Hành vi này trước đây thường gọi là “trốn ra nước ngoài”. Hành vi xuất cảnh trái phép xảy ra tương đối phổ biến vào những năm sau khi miền Nam giải phóng, nhưng hiện nay hành vi xuất cảnh trái phép không còn phổ biến như trước, nếu có thì cũng chủ yếu là đi liền với hành vi phạm tội khác như: tổ chức người khác trốn đi nước ngoài; buôn bán phụ nữ đưa ra nước ngoài hoặc sau khi phạm tội bị phát hiện, bị truy nã nên đã trốn ra nước ngoài để trốn tránh trách nhiệm.
Nhập cảnh trái phép là từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam không được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước Việt Nam. Nếu trước đây hành vi xuất cảnh trái phép là phổ biến thì hiện nay hành vi nhập cảnh trái phép lại xảy ra nhiều. Người nhập cảnh trái phép thường là người nước ngoài, họ vào Việt Nam bằng nhiều hình thức khác nhau và từ Việt Nam đi nước thứ ba với nhiều mục đích khác nhau. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người nhập cảnh trái phép lại chính là người Việt Nam nhưng họ đã ra nước ngoài làm ăn sinh sống, thậm chí đã nhập quốc tịch của nước sở tại, khi về Việt Nam không đựơc các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước Việt Nam cũng như Nhà nước sở tại cấp thị thực.
Không coi là nhập cảnh trái phép đối với người Việt Nam phạm tội sau đó trốn ra nước ngoài sau một thời gian lại trở về Việt Nam.
Để được xuất nhập cảnh, người xuất nhập cảnh phải có đầy đủ giấy tờ theo quy định tại Điều 6 và Điều 7 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh.
(2) Tội ở lại Việt Nam trái phép:
Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi ở lại Việt Nam trái phép. Ở lại Việt Nam trái phép là hết thời hạn ở Việt Nam nhưng vẫn không chịu rời khỏi Việt Nam.
Hành vi ở lại Việt Nam trái phép chủ yếu là người nước ngoài, người không có quốc tịch đến Việt Nam bằng con đường hợp pháp như: đến Việt Nam học tập, lao động, công tác, tham quan, du lịch, thăm thân… nhưng sau khi hết hạn đã không rời khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người Việt Nam đang học tập, lao động, công tác ở nước ngoài được về Việt Nam nghỉ phép nhưng hết hạn không chịu rời khỏi Việt Nam.
Không coi là ở lại Việt Nam trái phép đối với người nước ngoài bị Toà án áp dụng hình phạt trục xuất, nhưng cố tình không rời khỏi Việt Nam, mà trường hợp này nếu xảy ra thì thuộc trường hợp không chấp hành án quy định tại Điều 380 Bộ luật hình sự.
Hậu quả cũng không phải là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này, nhưng nếu hậu quả do hành vi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc trốn ở lại Việt Nam trái phép gây ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì hoặc là người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm khác hoặc phải bị xử phạt nặng hơn người phạm tội chưa gây ra hậu quả.
Người thực hiện hành vi xuất nhập cảnh trái phép lần đầu chưa phải chịu trách nhiệm hình sự, những vẫn bị xử lý hành chính. Tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm có hành vi xuất, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Hình phạt:
Điều luật quy định 02 hình phạt, đó là phạt tiền hoặc phạt tù. Cụ thể: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Điều 347. Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép
Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338