Language:
Tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội của công dân (Điều 163)
27/03/2023
icon-zalo

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Luật sư Hà Thị Khuyên

 

Tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội của công dân là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác ngăn cản hoặc ép buộc người khác lập hội, hội họp hợp pháp. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành của Tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội của công dân quy định tại Điều 163 Bộ luật Hình sự năm 2015.

 

Chủ thể của tội phạm:

 

Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

 

Khách thể của tội phạm:

 

Hành vi nêu trên xâm phạm đến các quyền tự do dân chủ gồm: Quyền tự do hội họp, quyền tự do lập Hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 

 

Bởi, việc hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tuy là quyền được Hiến pháp quy định nhưng công dân thực hiện các quyền này phải đảm bảo phù hợp với lợi ích của Nhà nước và của nhân dân thì mới được coi là hợp pháp và được pháp luật bảo vệ.

 

Mặt chủ quan của tội phạm:

 

Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện.

 

Mặt khách quan của tội phạm:

 

Về hành vi: Có hành vi cản trở công dân thực hiện quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng…, được hiểu là người phạm tội dùng các thủ đoạn, biện pháp làm cho người khác không thể thực hiện được các quyền hợp pháp nêu trên của mình, như: cấm công dân tham gia các cuộc họp, các lễ hội, mit tinh, biểu tình hoặc ngược lại ép buộc, cưỡng bức công dân phải tham gia các cuộc họp, các lễ hội, các cuộc mít tinh, biểu tình mà công dân không muốn.

Cản trở công dân thực hiện quyền lập hội là hành vi cấm thành lập các hội mà pháp luật không cấm, mặc dù mọi thủ tục để thành lập hội đã đúng, hoặc ép buộc cưỡng bức công dân phải thành lập hoặc tham gia thành lập các hội không đúng với pháp luật. Cản trở công dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng là hành vi cấm công dân tham gia thờ cúng, lễ chùa, làm lễ trong các nhà thờ hoặc không được thực hiện các phong tục tập quán dân tộc… hoặc ép buộc công dân phải theo tín ngưỡng mà họ không muốn theo. Cản trở công dân thực hiện quyền tự do tôn giáo là hành vi cấm công dân theo một tôn giáo hoặc ép buộc công dân phải theo một tôn giáo mà họ không muốn theo.

 

Dấu hiệu khác: Người thực hiện hành vi nêu trên phải thuộc trường hợp đã bị xử lý kỷ luật hoặc bị xử phạt hành chính về hành vi nêu trên mà còn vi phạm thì mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.

 

Tội phạm hoàn thành kể từ khi người phạm tội đã có hành vi xâm phạm đến ít nhất một trong ba quyền chính trị hợp pháp của công dân mà hành vi xâm phạm cùng loại ấy và phải thuộc trường hợp đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính trước đó chưa hết thời hiệu để được coi là chưa vi phạm và không phụ thuộc vào hậu quả công dân có bị cản trở hay không đối với quyền hội họp, quyền lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo.

 

Hình phạt:

 

- Khung 1: Hình phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm, nếu người phạm tội có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác ngăn cản hoặc ép buộc người khác lập hội, hội họp hợp pháp, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm.

 

- Khung 2: Hình phạt tù từ 01 năm đến 03 năm thuộc các trường hợp phạm tội: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Phạm tội 02 lần trở lên; Dẫn đến biểu tình; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

 

Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

Điều 163. Tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội của công dân

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác ngăn cản hoặc ép buộc người khác lập hội, hội họp hợp pháp, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Dẫn đến biểu tình;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338