Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Bảo đảm bằng tín chấp là việc tổ chức chính trị – xã hội ở cơ sở bằng uy tín để bảo đảm cho cá nhân, hộ gia đình nghèo là thành viên của mình vay một khoản tiền tại tổ chức tín dụng để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo quy định của pháp luật.
Tại Điều 344 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc bảo đảm bằng tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội. Theo đó, Tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở có thể bảo đảm bằng tín chấp cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại tổ chức tín dụng để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo quy định của pháp luật.
Tín chấp thuộc nhóm các biện pháp bảo đảm có tính chất đối nhân, không cần tài sản đảm bảo cùng với biện pháp bảo lãnh. Do đó, có thể nói tín chấp là một hình thức bảo lãnh vay vốn nhưng phân biệt với biện pháp bảo lãnh thông thường như: (1) phải là tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở. Cụ thể, quy định tại Điều 45 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật Dân sự năm 2015, quy định các tổ chức đảm bảo bằng tín chấp, như sau: Trường hợp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tín chấp thì tổ chức ở xã, phường, thị trấn của Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Công đoàn cơ sở là bên bảo đảm bằng tín chấp, trừ trường hợp Điều lệ của tổ chức này quy định khác”; (2 Bên được bảo đảm phải là thành viên nghèo của tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm; (3) đối tượng để bảo đảm: là uy tín của bên bảo đảm; (4) mục đích vay sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, và bên vay phải thực hiện tiền vay đúng mục đích đã thỏa thuận trong hợp đồng.
Biên pháp bảo đảm tín chấp so vối các biện pháp bảo đảm khác, đặc biệt là bảo lãnh đó là nếu người vay không trả được nợ đúng hạn thì tổ chức bảo đảm bằng tín chấp không phải trả thay. Điều này được lý giải bởi vì tổ chức chính trị - xã hội là một trong các loại pháp nhân phi thương mại theo quy định tại khoản 2 Điều 76 Bộ luật Dân sự năm 2015. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 87, pháp nhân không chịu trách nhiệm thay cho người của pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do người của pháp nhân xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân.
Như vậy, tín chấp là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự nhưng đối tượng của biện pháp tín chấp chỉ là uy tín của tổ chức mà không phải là tài sản như đôi tượng của các biện pháp bảo đảm khác. Vì vậy, việc cho vay có bảo đảm bằng tín chấp phải được lập thành văn bản có ghi rõ số tiền vay, mục đích vay, thời hạn vay, lãi suất, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người vay, ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay và tổ chức bảo đảm.
Điều 344. Bảo đảm bằng tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội
Tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở có thể bảo đảm bằng tín chấp cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại tổ chức tín dụng để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo quy định của pháp luật.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338