Language:
Bé trai hơn 1 tuổi nghi bị bạo hành, trách nhiệm pháp lý ra sao?
14/04/2023
icon-zalo

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

 

Thông tin vụ việc từ báo chí, liên quan đến vụ bé trai nghi bị bạo hành ở xã Thới Tam Thôn (H. Hóc Môn, TP. HCM), ngày 13/04/2023, Công an Huyện Hóc Môn hiện đang điều tra làm rõ vụ việc. Theo thông tin ban đầu, Công an Huyện Hóc Môn đã vào cuộc làm rõ, đồng thời mời cha mẹ của bé K đến làm việc. Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy cả hai không có chất ma túy. Người mẹ thừa nhận có đánh con gây thương tích. (Link thông tin https://thanhnien.vn/vu-be-trai-nghi-bi-bao-hanh-nguoi-me-thua-nhan-danh-con-kiem-tra-khong-co-chat-ma-tuy-1852304131136466.htm)

 

Phóng viên có nội dung hỏi luật sư: Trách nhiệm pháp lý trong vụ việc này ra sao?

 

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Đồng phân tích, hành vi bạo hành trẻ em ngày càng có xu hướng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp, điều khiến dư luận không khỏi bức xúc là kẻ bạo hành không ai khác lại chính là người thân trong gia đình. Bởi nếu phòng tránh việc trẻ em bị xâm hại, bị bạo hành ngoài xã hội thì có hiệu quả nhất định, nhưng để đấy tranh với hành vi bạo hành trẻ trong gia đình thì rất khó, khó phát hiện, thậm chí nhiều người có tâm lý bao che cho vi phạm xuề xoà cho rằng việc cha mẹ hoặc người thân trong gia đình đánh đập, hành hạ con trẻ cũng là do trẻ hư và lờ đi, chính vì tâm lý này nên việc phòng chống bạo hành trẻ em trong các gia đình rất khó, khi phát hiện ra thì phần lớn các cháu bé đa phần lâm vào tình trạng thương tích nặng, suy kiệt, tử vong hoặc bị sang chấn tâm lý ở mức độ nặng.

 

Từ sự việc này cơ quan chức năng, các cấp các ngành địa phương cần quan tâm, sát sao hơn trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, cần can thiệp kịp thời để bảo vệ trẻ em khỏi các vấn nạn xâm hại, bạo hành trong bất cứ môi trường nào, hoàn cảnh nào, thời điểm nào.

 

Trong vụ việc này, hành vi của cha mẹ cháu bé là cực kỳ đáng lên án, cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ tình trạng bạo hành cháu bé diễn ra thời điểm nào, có những ai biết vấn đề này và đưa cháu bé đi can thiệp y tế, tâm lý nếu cần. Giám định thương tích cơ thể và mức độ tổn thương tâm lý của cậu bé để có căn cứ xử lý vụ việc theo quy định pháp luật. Kịp thời giao cháu bé cho người thân chăm sóc hoặc cơ quan bảo vệ trẻ em.

 

Trường hợp này nếu việc bạo hành cháu bé dẫn tới thương tích cụ thể thì hành vi này tùy tính chất mức độ và hậu quả xảy ra, nếu thương tích gây ra cho cháu bé chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì người gây ra thương tích sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 5, Điều 7 Nghị định 144/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể: có hành vi cố ý gây thương tích cho người khác nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

 

Còn nếu hành vi đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì người gây thương tích có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015.

 

Nếu hành vi hành hạ cháu bé diễn ra trong cả quá trình dài thì hành vi này cũng có dấu hiệu của Tội hành hạ con quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự năm 2015 với các dấu hiệu như đối xử tàn ác đối với người bị hại như đánh đập, giam hãm, không cho ra khỏi nhà, bắt nhịn ăn… có thể kèm theo việc chửi mắng thậm tệ làm cho họ bị đau đớn về thể xác lẫn tinh thần. Tuy nhiên, hành vi nêu trên phải gây hậu quả nghiêm trọng hoặc thuộc trường hợp đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.

 

Liên hệ tư vấn Luật sư: 0936683699 - 0983951338