Language:
Chấm dứt quyền hưởng dụng (Điều 265)
14/07/2023
icon-zalo

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Luật sư Hà Thị Khuyên

Theo quy định pháp luật, thời hạn của quyền hưởng dụng được xác định theo Điều 260 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, thời hạn của quyền hưởng dụng do các bên thoả thuận hoặc do luật quy định nhưng tối đa đến hết cuộc đời của người hưởng dụng đầu tiên nếu người hưởng dụng là cá nhân và đến khi pháp nhân chấm dứt tồn tại nhung tối đa là 30 năm nếu người hưởng dụng đầu tiên là pháp nhân. Cụ thể:

Nếu chủ thể hưởng dụng là cá nhân: Thời hạn hưởng dụng tối đa đến hết cuộc đời của người hưởng dụng đầu tiên. Quy định này xác định rõ đối với trường hợp nhiều cá nhân được hưởng dụng trên một tài sản thì thời gian đời người được xác định theo người hưởng dụng đầu tiên.

Nếu chủ thể hưởng dụng là pháp nhân: Pháp nhân là chủ thể hưởng dụng thì thời gian hưởng dụng tối đa của pháp nhân cho đến khi pháp nhân chấm dứt tồn tại nhưng không quá 30 năm. Pháp nhân bị chấm dứt tư cách chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự khi có sự kiện pháp lý xảy ra theo qui định của pháp luật như phá sản, giải thể.

Người hưởng dụng có quyền cho thuê quyền hưởng dụng về nội dung, quyền hưởng dụng thấp hơn quyền sở hữu nhưng về cơ bản, cao hơn quyền sử dụng trong hợp đồng thuê, hợp đồng mượn tài sản. Người hưởng dụng được tự mình hoặc cho phép người khác khai thác, sử dụng, thu hoa lợi, lợi tức từ đối tượng của quyền hưởng dụng và cho thuê quyền hưởng dụng đối với tài sản mà không cần có sự đồng ý của chủ sở hữu tài sản.

Tại Điều 265 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc chấm dứt quyền hưởng dụng. Theo đó, quyền hưởng dụng chấm dứt trong trường hợp: Thời hạn của quyền hưởng dụng đã hết; Theo thỏa thuận của các bên; Người hưởng dụng trở thành chủ sở hữu tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng; Người hưởng dụng từ bỏ hoặc không thực hiện quyền hưởng dụng trong thời hạn do luật quy định; Tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng không còn; Theo quyết định của Tòa án; Căn cứ khác theo quy định của luật. Cụ thể:

Thời hạn của quyền hưởng dụng đã hết, thời hạn quyền hưởng dụng là khoảng thời gian mà người hưởng dụng được toàn quyền khai thác, sử dụng tài sản nhằm thu lại hoa lợi, lợi tức. Quyền hưởng dụng là khai thác, sử dụng tài sản trong một khoảng thời gian nhất định theo thỏa thuận của các bên, khi hết thời hạn đó quyền hưởng dụng đương nhiên chấm dứt. 

Theo thỏa thuận của các bên, thông thường nếu các bên thỏa thuận về thời hạn quyền hưởng dụng thì chỉ khi hết thời hạn đó, quyền hưởng dụng mới chấm dứt. Tuy nhiên, pháp luật luôn tôn trọng thỏa thuận của các chủ thể, vậy nên dựa trên ý chí của mình các bên có thể thỏa thuận về việc chấm dứt thời hạn thảo thuận trước hoặc sau khi thời hạn hưởng dụng kết thúc.

Người hưởng dụng trở thành chủ sở hữu của tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng, trên thực tế, chủ sở hữu có thể chuyển giao quyền sở hữu tài sản hưởng dụng cho người có quyền hưởng dụng. Khi đó người hưởng dụng trở thành chủ sở hữu của tài sản, tuy nhiên vẫn có quyền sử dụng, khai thác tài sản nhưng với tư cách là chủ sở hữu thực hiện quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản của mình. Vì quyền hưởng dụng là quyền khai thác, sử dụng tài sản là quyền của chủ thể không phải chủ sở hữu tài sản. Mặc dù về bản chất đều là việc sử dụng, khai thác công dụng của tài sản, nhưng tính chất của quyền hưởng dụng và quyền sử dụng tài sản của chủ sở hữu là khác nhau, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ khác nhau của chủ thể.

Người hưởng dụng từ bỏ hoặc không thực hiện quyền hưởng dụng trong thời hạn do luật quy định, quyền hưởng dụng đi kèm với nghĩa vụ bảo vệ, giữ gìn tài sản được chuyển giao của người hưởng dụng. Nhưng nếu trong một khoảng thời gian nhất định người hưởng dụng không thực hiện quyền hưởng dụng thì quyền hưởng dụng sẽ chấm dứt theo quy định của pháp luật. Trên thực tế có trường hợp người hưởng dụng vì một lý do nào đó không thể tiếp tục thực hiện quyền hưởng dụng, đồng nghĩa với vệc họ từ bỏ quyền hưởng dụng thì quyền hưởng dụng sẽ chấm dứt.

Tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng không còn, quyền hưởng dụng là quyền đối vật, được xác lập dựa trên cơ sở khai thác lợi ích vật chất từ tài sản. Do đó khi tài sản không còn đồng nghĩa với việc không còn đối tượng để khai thác, sử dụng nên quyền hưởng dụng sẽ chấm dứt.

Theo quyết định của Tòa án, Tòa án là cơ quan quyền lực Nhà nước, dựa trên cơ sở pháp lý nhất định có thể chấm dứt thời hạn quyền hưởng dụng mà không cần dựa vào thời hạn hay thỏa thuận các bên. 

Căn cứ khác theo quy định của pháp luật, các căn cứ làm chấm dứt quyền hưởng dụng là cơ sở để chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ chuyển giao quyền hưởng dụng. Sau khi quyền hưởng dụng chấm dứt, người có quyền hưởng dụng phải hoàn trả tài sản cho chủ sở hữu. 

Điều 265. Chấm dứt quyền hưởng dụng

Quyền hưởng dụng chấm dứt trong trường hợp sau đây:

1. Thời hạn của quyền hưởng dụng đã hết.

2. Theo thỏa thuận của các bên.

3. Người hưởng dụng trở thành chủ sở hữu tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng.

4. Người hưởng dụng từ bỏ hoặc không thực hiện quyền hưởng dụng trong thời hạn do luật quy định.

5. Tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng không còn.

6. Theo quyết định của Tòa án.

7. Căn cứ khác theo quy định của luật.

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338