Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định hoặc tới công chúng (sau đây gọi chung là bên được đề nghị).
Tại Điều 393 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng. Theo đó, chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị. Sự im lặng của bên được đề nghị không được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc theo thói quen đã được xác lập giữa các bên.
Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là giai đoạn thứ hai của quá trình giao kết hợp đồng. Nếu chấp nhận hợp đồng được đưa ra, hợp đồng có thể được giao kết và quan hệ hợp đồng giữa các bên sẽ hình thành. Theo quy định của điều luật trên, chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị đối với bên đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị. Như vậy, để được công nhận là chấp nhận đề nghị thì sự bày tỏ ý chí của bên được đề nghị phải thỏa mãn các điều kiện sau đây:
Về ý chí biểu thị sự chấp nhận của bên được đề nghị đối với bên đề nghị, để có một chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, bên được đề nghị phải biểu thị sự “chấp nhận” của mình đối với đề nghị, tức là thể hiện ý chí muốn giao kết hợp đồng của mình với người đưa ra đề nghị.
Về nội dung chấp nhận toàn bộ đề nghị, về nguyên tắc, sau khi đề nghị được chuyển đến người nhận, thì người này có thể trả lời đề nghị theo một trong 03 cách: Không chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, đề nghị giao kết chấm dứt; Chấp nhận một phần của nội dung đã được đề nghị hoặc chấp nhận nhưng nêu ra điều kiện hoặc sửa đổi đề nghị. Đây sẽ là lời đề nghị mới; Chấp nhận giao kết hợp đồng với toàn bộ nội dung đã được đề nghị. Đây chính là trường hợp được pháp luật công nhận là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.
Về thời hạn khi bên đề nghị có ấn định thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực khi được thực hiện trong thời hạn đó.
Về hình thức chấp nhận bằng lời nói, văn bản hoặc hành vi.
Theo quy định pháp luật, trong quá trình giao kết hợp đồng, ý chí của chủ thể phải được thể hiện ra bên ngoài, đó có thể là lời nói, hành vi, văn bản, để bên kia có thể dễ dàng nhận biết. Nhưng trên thực tế, chủ thể có quyền im lặng, tức họ không thể hiện rõ ý chí, quan điểm của mình. Trong trường hợp này, sự im lặng không được xem là đồng ý đề nghị giao kết hợp đồng. Lúc này, đề nghị giao kết hợp đồng sẽ chấm dứt hiệu lực theo quy định tại khoản 3 Điều 391 Bộ luật Dân sự năm 2015, mà không đạt được kết quả giao kết hợp đồng.
Pháp luật cho phép sự im lặng được xem là đồng ý giao kết hợp đồng trong hai trường hợp: (1) Giữa các bên có thỏa thuận. Thỏa thuận của các bên luôn được pháp luật tôn trọng trong hầu hết các quan hệ dân sự, chỉ cần thỏa thuận đó không ảnh hưởng đến lợi ích của chủ thể khác hoặc của lợi ích cộng đồng, xã hội; (2) Thói quen đã được xác lập giữa các bên. Thói quen là sự lặp đi lặp lại giữa các chủ thể, theo đó, họ đã từng giao kết hợp đồng với nhau nhiều lần mà mỗi lần sự im lặng đều được các bên hiểu là đồng ý. Quy định này nhằm hạn chế thủ tục cho các bên khi xác lập hợp đồng, mỗi lần có hợp đồng phát sinh lại thỏa thuận về việc im lặng đồng nghĩa với chấp nhận giao kết hợp đồng.
Điều 393. Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng
1. Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị.
2. Sự im lặng của bên được đề nghị không được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc theo thói quen đã được xác lập giữa các bên.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338