Language:
Giao dịch dân sự có điều kiện (Điều 120)
24/02/2023
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

 

Giao dịch dân sự là gì?

 

Theo quy định tại Điều 116 Bộ luật Dân sự 2015, giao dịch dân sự được định nghĩa như sau: "Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự". Trong đó, hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự theo quy định tại Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015. Thông thường, hành vi pháp lý đơn phương được hiểu là sự thể hiện ý chí của một bên làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự. Ví dụ: lập di chúc, hứa thưởng...

 

Giao dịch dân sự có điều kiện là gì?

 

Giao dịch dân sự có điều kiện là giao dịch dân sự trong đó các bên có thỏa thuận về điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự, giao dịch dân sự có điều kiện được quy định tại điều 120 Bộ luật Dân sự năm 2015.

 

Phân tích về giao dịch dân sự có điều kiện:

 

Giao dịch dân sự có điều kiện là giao dịch mà hiệu lực của nó phát sinh hoặc hủy bỏ phụ thuộc vào sự kiện nhất định. Sự kiện được coi là điều kiện của giao dịch do chính người xác lập giao dịch định ra và phải là sự kiện thuộc về tương lai. Sự kiện này phải hợp pháp, có thể xảy ra hoặc không xảy ra và không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các chủ thể trong giao dịch.

 

Giao dịch có thể xác lập với điều kiện phát sinh hoặc điều kiện hủy bỏ, Giao dịch vó điều kiện phát sinh là giao dịch đã được xác lập nhưng chỉ phát sinh hiệu lực khi có sự kiện được coi là điều kiện xảy ra. Giao dịch có điều kiện hủy bỏ là giao dịch được xác lập và phát sinh hiệu lực nhưng khi có sự kiện là điều xảy ra thì giao dịch bị hủy bỏ.

 

Trong trường hợp điều kiện làm phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự không thể xảy ra được do hành vi cố ý cản trở của một bên hoặc của người thứ ba thì coi như điều kiện đó đã xảy ra; nếu có sự tác động của một bên hoặc của người thứ ba cố ý thúc đẩy cho điều kiện để làm phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự xảy ra thì coi như điều kiện đó không xảy ra.

 

Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có cách tiếp cận nhằm bảo vệ tốt hơn quyền công dân, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng hơn, ổn định hơn trong giao lưu dân sự, thúc đẩy sự phát triển của quan hệ sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế thị trường; hạn chế sự can thiệp của cơ quan công quyền vào quan hệ dân sự; bảo đảm sự ổn định của giao dịch dân sự, các quan hệ liên quan và hạn chế sự không thiện chí của các bên trong giao dịch dân sự.

 

Căn cứ vào những quan hệ trong đời sống thực tế, pháp luật Việt Nam quy định về giao dịch dân sự có điều kiện dựa trên cơ sở thỏa thuận của các bên tham giao giao dịch. Điều 120 quy định trong trường hợp các bên có thỏa thuận về điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự thì khi điều kiện đó xảy ra, giao dịch dân sự phát sinh hoặc hủy bỏ. 

 

Những sự kiện mà các bên tham gia giao dịch dân sự thỏa thuận làm điều kiện để xác lập giao hoặc hủy bỏ giao dịch được hiểu là những hiện tượng, sự vật, sự việc phát sinh trong đời sống xã hội thì khi sự kiện đó xảy ra là điều kiện để xác lập hoặc chấm dứt giao dịch dân sự. Các sự kiện mà các bên thỏa thuận có thể phát sinh trong tương lai nhưng có thể không phát sinh. Những sự kiện mà các bên thỏa thuận làm điều kiện của giao dịch có thể dự liệu các hiện tượng tự nhiên, có thể dựa vào sự kiện nhất định do hành vi của con người.

 

Sự tiên liệu của các bên chủ thể về một sự kiện có thể phát sinh trong đời sống xã hội, và khi sự kiện đó phát sinh là điều kiện để xác lập hoặc chấm dứt giao dịch. Sự kiện đó phải đặt trong mối liên hệ về thời gian và không gian nhất định và sự kiện phát sinh trong khoảng không gian và thời gian xác định đó, là điều kiện để xác lập hoặc chấm dứt giao dịch.

 

Điều 120 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định về giao dịch có điều kiện nhằm điều chỉnh các quan hệ giao dịch phát sinh trong đời sống xã hội, nhằm nâng cao ý thức của các chủ thể trong quan hệ giao dịch và sự tôn trọng những thỏa thuận hợp pháp của các bên chủ thể tham gia giao dịch. Quy định tại Điều 120 Bộ luật Dân sự năm 2015 là quy định khách quan và phù hợp với các quan hệ giao dịch trong xã hội hiện đại.

 

Điều 120. Giao dịch dân sự có điều kiện

1. Trường hợp các bên có thỏa thuận về điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự thì khi điều kiện đó xảy ra, giao dịch dân sự phát sinh hoặc hủy bỏ.

2. Trường hợp điều kiện làm phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự không thể xảy ra được do hành vi cố ý cản trở trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên thì coi như điều kiện đó đã xảy ra; trường hợp có sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên cố ý thúc đẩy cho điều kiện xảy ra thì coi như điều kiện đó không xảy ra.

 

Liên hệ tư vấn và mời luật sư: 0936683699 - 0983951338