Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Tại Điều 401 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hiệu lực của hợp đồng. Theo đó, hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác. Từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết. Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật. Thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng gồm các thời điểm sau:
- Thời điểm giao kết hợp đồng, thời điểm giao kết hợp đồng chính là thời điểm có hiệu lực của hợp đồng khi các bên không có thỏa thuận hoặc pháp luật không có quy định khác. Theo quy định tại Điều 400 Bộ luật Dân sự năm 2015, thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm các bên thỏa thuận xong nội dung của hợp đồng tức là thời điểm bên đề nghị nhận được câu trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng của bên được đề nghị. Pháp luật quy định thời điểm giao kết hợp đồng được xác định theo phương thức, hình thức giao kết hợp đồng.
- Thời điểm do các bên thỏa thuận, về cơ bản, hợp đồng có hiệu lực tại thời điểm giao kết. Tuy nhiên, pháp luật cho phép các bên có thể thỏa thuận về thời hạn có hiệu lực của hợp đồng mà không cần phụ thuộc vào thời điểm giao kết hợp đồng. Quy định này dựa trên nguyên tắc tự do thỏa thuận. Vì các bên có quyền tự do thỏa thuận nội dung của hợp đồng, nên cũng có quyền thỏa thuận thời điểm có hiệu lực của hợp đồng. Thỏa thuận của các bên về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng phải tuân thủ theo nguyên tắc chung như: không được trái với bản chất của hợp đồng, không được trái pháp luật.
- Thời điểm luật liên quan có quy định khác, trong trường hợp đặc biệt, do tính chất đặc thù của hợp đồng cần có sự kiểm soát chặt chẽ về hiệu lực và bảo vệ các bên, pháp luật ấn định thời điểm có hiệu lực cụ thể cho hợp đồng bắt buộc các bên phải tuân theo.
Từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực các bên phải thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ như đã thỏa thuận. Có thể thấy, thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên bị ràng buộc bởi quyền và nghĩa vụ đã thỏa thuận với nhau, theo đó, nếu một bên có hành vi vi phạm những nội dung này thì phải chịu trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng. Trong thời gian hợp đồng đang có hiệu lực các bên vẫn có thể thỏa thuận sửa đổi, hoặc hủy bỏ. Hợp đồng cũng có thể bị sửa đổi, hủy bỏ theo quy định pháp luật. Quy định này nhằm linh hoạt cho các bên trong việc sửa đổi nội dung hợp đồng cho phù hợp với lợi ích và xu thế chung của nền kinh tế thị trường. Đồng thời cũng ràng buộc các bên thực hiện đúng nghĩa vụ đã thỏa thuận.
Có thể thấy, hiệu lực của hợp đồng là giá trị pháp lý của hợp đồng làm căn cứ phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia, mang tính pháp lý ràng buộc các bên tham gia hợp đồng phải tôn trọng và thi hành đúng, đầy đủ nghĩa vụ đã thỏa thuận. Ngoài ra, xác định được thời điểm có hiệu lực của hợp đồng còn có ý nghĩa trong việc phân loại hợp đồng, xác định được hiệu lực đối kháng với người thứ ba… Vì vậy, xác định hiệu lực hợp đồng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là yếu tố không thể thiếu của hợp đồng.
Tại Điều 22 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng, theo đó quy định hiệu lực của hợp đồng bảo đảm như sau: Hợp đồng bảo đảm được công chứng, chứng thực theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan hoặc theo yêu cầu thì có hiệu lực từ thời điểm được công chứng, chứng thực. Hợp đồng bảo đảm không thuộc khoản 1 Điều này có hiệu lực từ thời điểm do các bên thỏa thuận. Trường hợp không có thỏa thuận thì có hiệu lực từ thời điểm hợp đồng được giao kết. Trường hợp tài sản bảo đảm được rút bớt theo thỏa thuận thì phần nội dung hợp đồng bảo đảm liên quan đến tài sản được rút bớt không còn hiệu lực; tài sản bảo đảm được bổ sung hoặc thay thế thì việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng bảo đảm liên quan đến tài sản này thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan.Biện pháp bảo đảm chưa phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba không làm thay đổi hoặc không làm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng bảo đảm.
Còn tại Điều 23 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm với người thứ ba. Theo đó, biện pháp bảo đảm chỉ phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba trong trường hợp hợp đồng bảo đảm đã có hiệu lực pháp luật. Trường hợp biện pháp bảo đảm phải đăng ký theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan hoặc được đăng ký theo thỏa thuận hoặc được đăng ký theo yêu cầu của bên nhận bảo đảm thì thời điểm đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật liên quan là thời điểm biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba.
Trường hợp không thuộc khoản 2 Điều này thì hiệu lực đối kháng với người thứ ba của biện pháp cầm cố tài sản, đặt cọc, ký cược phát sinh từ thời điểm bên nhận bảo đảm nắm giữ tài sản bảo đảm. Nắm giữ tài sản bảo đảm quy định tại khoản này là việc bên nhận bảo đảm trực tiếp quản lý, kiểm soát, chi phối tài sản bảo đảm hoặc là việc người khác quản lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật nhưng bên nhận bảo đảm vẫn kiểm soát, chi phối được tài sản này.
Trường hợp tài sản bảo đảm thuộc biện pháp bảo đảm quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị định được giao cho người khác quản lý thì hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm với người thứ ba phát sinh từ thời điểm: Bên nhận cầm cố, bên nhận đặt cọc hoặc bên nhận ký cược nắm giữ tài sản bảo đảm; Người quản lý tài sản nhận trực tiếp tài sản bảo đảm từ bên cầm cố, bên đặt cọc hoặc bên ký cược; Hợp đồng bảo đảm có hiệu lực trong trường hợp người khác đang quản lý trực tiếp tài sản mà tài sản này được dùng để cầm cố, để đặt cọc hoặc để ký cược. Hiệu lực đối kháng của biện pháp ký quỹ với người thứ ba phát sinh từ thời điểm tài sản ký quỹ được gửi vào tài khoản phong tỏa tại tổ chức tín dụng nơi ký quỹ.
Điều 401. Hiệu lực của hợp đồng
1. Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.
2. Từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết. Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338