Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Điều 386 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định hoặc tới công chúng (sau đây gọi chung là bên được đề nghị). Trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng có nêu rõ thời hạn trả lời, nếu bên đề nghị lại giao kết hợp đồng với người thứ ba trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời thì phải bồi thường thiệt hại cho bên được đề nghị mà không được giao kết hợp đồng nếu có thiệt hại phát sinh.
Tại Điều 390 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng. Theo đó, bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể hủy bỏ đề nghị nếu đã nêu rõ quyền này trong đề nghị và bên được đề nghị nhận được thông báo về việc hủy bỏ đề nghị trước khi người này gửi thông báo chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng. Từ quy định này có thể thấy, bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng trong 02 trường hợp sau đây: (1) Bên được đề nghị nhận được thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị trước hoặc cùng với thời điểm nhận được đề nghị; (2) Điều kiện thay đổi hoặc rút lại đề nghị phát sinh trong trường hợp bên đề nghị có nêu rõ về việc được thay đổi hoặc rút lại đề nghị khi điều kiện đó phát sinh. Đồng thời, bên đề nghị giao kết hợp đồng cũng có thể hủy bỏ đề nghị nếu đã nêu rõ quyền này trong đề nghị và bên được đề nghị nhận được thông báo về việc hủy bỏ đề nghị trước khi người này gửi thông báo chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.
Đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực dựa vào ý chí của các bên và cũng có thể chấm dứt theo ý chí của các bên. Đồng thời, các bên phải đảm bảo lợi ích cho nhau và đảm bảo các bên không bị ảnh hưởng khi hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng. Do đó, việc hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng cần phải thỏa mãn được các điều kiện nhất định.
Một là, phải nêu rõ quyền được hủy bỏ đề nghị trong đề nghị giao kết hợp đồng. Việc nêu rõ quyền được hủy bỏ trong đề nghị giao kết hợp đồng sẽ giúp bên đề nghị tránh việc hủy đề nghị không đúng pháp luật dẫn đến phải bồi thường cho bên được đề nghị.
Hai là, bên đề nghị phải thông báo cho bên được đề nghị. Vì đề nghị giao kết hợp đồng là của bên đề nghị gửi cho bên được đề nghị nên khi nhận được đề nghị giao kết hợp đồng, bên được đề nghị sẽ tiến hành đánh giá và xem xét sau đó mới quyết định chấp nhận đề nghị đó hay không. Vì vậy, việc thông báo là bắt buộc phải có và giúp bảo vệ quyền lợi cho bên được đề nghị.
Ba là, việc thông báo phải diễn ra trước khi bên được đề nghị chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng. Khi bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì sẽ chuyển sang giai đoạn giao kết hợp đồng nên việc hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng sẽ không được chấp nhận nếu đề nghị giao kết hợp đồng đã có hiệu lực.
Hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng là ý chí đơn phương của bên đề nghị giao kết hợp đồng nhằm thoát khỏi sự ràng buộc do chính mình đưa ra. Vì nếu mục đích ban đầu của đề nghị giao kết hợp đồng không còn nữa hay vì một nguyên nhân nào khác dẫn đến việc bên đề nghị không muốn tiếp tục đề nghị giao kết hợp đồng nữa thì bên đề nghị sẽ tiến hành hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng. Trong quá trình đề nghị giao kết hợp đồng, bên đề nghị là một chủ thể duy nhất, bên được đề nghị có thể là nhiều chủ thể khác nhau trong cùng một thời điểm, vì vậy, các chủ thể trong quan hệ đề nghị giao kết hợp đồng đều phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện đối với một chủ thể trong quan hệ dân sự theo quy định của pháp luật.
Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định về hình thức hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng nên theo quy định chung thì hình thức có thể được thể hiện dưới dạng: bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể nhằm mục đích hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng. Ngoài ra, khi hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng thì bên đề nghị phải thông báo cho bên được đề nghị. Nhưng vì luật không quy định cụ thể về hình thức thông báo nên bên đề nghị có thể thông báo trực tiếp hoặc thông báo gián tiếp. Hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực tại thời điểm bên được đề nghị nhận được thông báo hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng từ bên đề nghị. Tuy nhiên, cần phải đáp ứng được điều kiện thông báo phải được gửi đến trước thời điểm bên được đề nghị chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.
Như vậy, muốn hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng thì phải nêu rõ quyền hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng trong đề nghị: Ngoài những nội dung chủ yếu của hợp đồng được đưa ra, bên đề nghị phải nêu rõ về quyền hủy bỏ đề nghị trong những trường hợp hoặc điều kiện nhất định và khi trường hợp hoặc điều kiện đó xảy ra, bên đề nghị sẽ được quyền hủy bỏ đề nghị giao kết. Phải thông báo cho bên được đề nghị, pháp luật không quy định việc thông báo bắt buộc phải bằng văn bản hay phải cùng với hình thức của lời đề nghị được đưa ra. Chính vì vậy, trong trường hợp này bên đưa ra đề nghị có thể lựa chọn bất kỳ hình thức thông báo nào miễn là việc thông báo này đảm bảo cho bên được đề nghị biết về việc hủy bỏ đề nghị. Thông báo phải gửi đến trước khi bên được đề nghị trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng: rõ ràng nếu bên được đề nghị đã trả lời chấp nhận thì hợp đồng có thể đã được giao kết và việc hủy bỏ đề nghị không còn ý nghĩa. Do đó, trong trường hợp này yêu cầu gửi đề nghị đến trước thời điểm trả lời chấp nhận là cần thiết và phù hợp.
Điều 390. Hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng
Bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể hủy bỏ đề nghị nếu đã nêu rõ quyền này trong đề nghị và bên được đề nghị nhận được thông báo về việc hủy bỏ đề nghị trước khi người này gửi thông báo chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338