Language:

Pháp nhân chấm dứt tồn tại

Căn cứ chấm dứt nghĩa vụ (Điều 372)
Luật sư Hà Thị Khuyên và Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính phân tích, tại Điều 372 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về căn cứ chấm dứt nghĩa vụ. Theo đó, nghĩa vụ chấm dứt trong trường hợp sau đây: Nghĩa vụ được hoàn thành; theo thỏa thuận của các bên; bên có quyền miễn việc thực hiện nghĩa vụ; nghĩa vụ được thay thế bằng nghĩa vụ khác; nghĩa vụ được bù trừ; bên có quyền và bên có nghĩa vụ hòa nhập làm một; thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ đã hết; bên có nghĩa vụ là cá nhân chết hoặc là pháp nhân chấm dứt tồn tại mà nghĩa vụ phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện; bên có quyền là cá nhân chết mà quyền yêu cầu không thuộc di sản thừa kế hoặc là pháp nhân chấm dứt tồn tại mà quyền yêu cầu không được chuyển giao cho pháp nhân khác; vật đặc định là đối tượng của nghĩa vụ không còn và được thay thế bằng nghĩa vụ khác; trường hợp khác do luật quy định.
Nghĩa vụ thực hiện công việc không có ủy quyền (Điều 575)
Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính phân tích, tại Điều 575 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định nghĩa vụ thực hiện công việc không có ủy quyền. Theo đóm người thực hiện công việc không có ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc phù hợp với khả năng, điều kiện của mình. Người thực hiện công việc không có ủy quyền phải thực hiện công việc như công việc của chính mình; nếu biết hoặc đoán biết được ý định của người có công việc thì phải thực hiện công việc phù hợp với ý định đó. Người thực hiện công việc không có ủy quyền phải báo cho người có công việc được thực hiện về quá trình, kết quả thực hiện công việc nếu có yêu cầu, trừ trường hợp người có công việc đã biết hoặc người thực hiện công việc không có ủy quyền không biết nơi cư trú hoặc trụ sở của người đó. Trường hợp người có công việc được thực hiện chết, nếu là cá nhân hoặc chấm dứt tồn tại, nếu là pháp nhân thì người thực hiện công việc không có ủy quyền phải tiếp tục thực hiện công việc cho đến khi người thừa kế hoặc người đại diện của người có công việc được thực hiện đã tiếp nhận.Trường hợp có lý do chính đáng mà người thực hiện công việc không có ủy quyền không thể tiếp tục đảm nhận công việc thì phải báo cho người có công việc được thực hiện, người đại diện hoặc người thân thích của người này hoặc có thể nhờ người khác thay mình đảm nhận việc thực hiện công việc.
Chấm dứt thực hiện công việc không có ủy quyền (Điều 578)
Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính phân tích, tại Điều 578 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc chấm dứt thực hiện công việc không có ủy quyền. Theo đó, việc thực hiện công việc không có ủy quyền chấm dứt trong trường hợp: Theo yêu cầu của người có công việc được thực hiện; người có công việc được thực hiện, người thừa kế hoặc người đại diện của người có công việc được thực hiện tiếp nhận công việc; người thực hiện công việc không có ủy quyền không thể tiếp tục thực hiện công việc theo quy định tại khoản 5 Điều 575 Bộ luật Dân sự; Người thực hiện công việc không có ủy quyền chết, nếu là cá nhân hoặc chấm dứt tồn tại, nếu là pháp nhân.
Chấm dứt tồn tại pháp nhân (Điều 96)
Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính phân tích, tại Điều 96 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc chấm dứt tồn tại pháp nhân. Theo đó, pháp nhân chấm dứt tồn tại trong trường hợp sau đây: Hợp nhất, sáp nhập, chia, chuyển đổi hình thức, giải thể pháp nhân theo quy định tại các điều 88, 89, 90, 92 và 93 của Bộ luật Dân sự; Bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản. Pháp nhân chấm dứt tồn tại kể từ thời điểm xóa tên trong sổ đăng ký pháp nhân hoặc từ thời điểm được xác định trong quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khi pháp nhân chấm dứt tồn tại, tài sản của pháp nhân được giải quyết theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan.