Language:
Quyền chiếm hữu của người được giao tài sản thông qua giao dịch dân sự (Điều 188)
29/04/2023
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

 

Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật. Quyền chiếm hữu là quyền của một chủ thể pháp luật được nắm giữ, quản lý tài sản trên thực tế hoặc danh nghĩa pháp lý theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ.

 

Chiếm hữu là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản. Vậy quyền chiếm hữu là quyền của chủ thể được nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, được pháp luật công nhận và bảo vệ . Quyền chiếm hữu trực tiếp là việc chủ sở hữu trực tiếp thực hiện việc nắm giữ, chi phối tài sản của mình. Quyền chiếm hữu gián tiếp là quyền mà chủ sở hữu giao cho người khác thực hiện quản lý tài sản của mình.

 

Tại Điều 179 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ chiếm hữu là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản. Chiếm hữu bao gồm chiếm hữu của chủ sở hữu và chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu. Việc chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu không thể là căn cứ xác lập quyền sở hữu, trừ trường hợp quy định tại các điều 228, 229, 230, 231, 232, 233 và 236 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

 

Tại Điều 188 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền chiếm hữu của người được giao tài sản thông qua giao dịch dân sự:

 

Thứ nhất, khi chủ sở hữu giao tài sản cho người khác thông qua giao dịch dân sự mà nội dung không bao gồm việc chuyển quyền sở hữu thì người được giao tài sản phải thực hiện việc chiếm hữu tài sản đó phù hợp với mục đích, nội dung của giao dịch.

 

Thứ hai, người được giao tài sản có quyền sử dụng tài sản được giao, được chuyển quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản đó cho người khác nếu được chủ sở hữu đồng ý.

 

Thứ ba, người được giao tài sản không thể trở thành chủ sở hữu đối với tài sản được giao theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật Dân sự.

 

Cụ thể, tại Điều 236 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật như sau: Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

 

Điều 188. Quyền chiếm hữu của người được giao tài sản thông qua giao dịch dân sự

1. Khi chủ sở hữu giao tài sản cho người khác thông qua giao dịch dân sự mà nội dung không bao gồm việc chuyển quyền sở hữu thì người được giao tài sản phải thực hiện việc chiếm hữu tài sản đó phù hợp với mục đích, nội dung của giao dịch.

2. Người được giao tài sản có quyền sử dụng tài sản được giao, được chuyển quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản đó cho người khác nếu được chủ sở hữu đồng ý.

3. Người được giao tài sản không thể trở thành chủ sở hữu đối với tài sản được giao theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.

 

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338