Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Theo quy định tại Điều 317 Bộ luật Dân sự năm 2015 việc thế chấp tài sản được hiểu là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp). Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.
Tại Điều 321 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền của bên thế chấp. Theo đó, quyền cả bên thế chấp được quy định như sau:
Thứ nhất, khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản thế chấp, trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức cũng là tài sản thế chấp theo thỏa thuận.
Thứ hai, đầu tư để làm tăng giá trị của tài sản thế chấp.
Thứ ba, nhận lại tài sản thế chấp do người thứ ba giữ và giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp do bên nhận thế chấp giữ khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.
Thứ tư, được bán, thay thế, trao đổi tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp này, quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được, tài sản hình thành từ số tiền thu được, tài sản được thay thế hoặc được trao đổi trở thành tài sản thế chấp. Trường hợp tài sản thế chấp là kho hàng thì bên thế chấp được quyền thay thế hàng hóa trong kho, nhưng phải bảo đảm giá trị của hàng hóa trong kho đúng như thỏa thuận. Như vậy, thế chấp tài sản là việc một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia.
Thứ năm, được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật.
Thứ sáu, được cho thuê, cho mượn tài sản thế chấp nhưng phải thông báo cho bên thuê, bên mượn biết về việc tài sản cho thuê, cho mượn đang được dùng để thế chấp và phải thông báo cho bên nhận thế chấp biết.
Bên thế chấp là chủ sở hữu tài sản, quyền của chủ sở hữu là chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản. Cho nên, để phát huy công dụng của tài sản, đưa tài sản vào sản xuất kinh doanh, thu lợi nhuận pháp luật cho phép bên thế chấp được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản thế chấp. Đây là ưu điểm của biện pháp thế chấp tài sản, tạo điều kiện để thế chấp khai thác, thu lợi từ tài sản để tạo nguồn thu nhập thực hiện nghĩa vụ. Trên thực tế, có trường hợp người đi vay thế chấp sử dụng chính tài sản mà mình đi vay để mua, dùng làm tài sản thế chấp. Trong thời hạn thế chấp, để khai thác công dụng hiệu quả của tài sản, bên thế chấp có quyền đầu tư làm tăng giá trị của tài sản thế chấp. Nếu việc đầu tư đó không làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của bên nhận thế chấp. Trên thực tế, việc bên thế chấp đầu tư làm tăng giá trị của tài sản thế chấp là một lợi thế cho bên nhận thế chấp. Giá trị của tài sản tăng nghĩa là khả năng đảm bảo nghĩa vụ tốt hơn. Khi tiến hành xử lý tài sản sẽ đảm bảo được khả năng thay thế đầy đủ nghĩa vụ chưa thực hiện. Bên cạnh đó, việc đầu tư nâng cao giá trị tài sản cũng là một biện pháp có lợi cho bên thế chấp.
Bên thế chấp phải giao giấy tờ liên quan cho bên nhận thế chấp giữ nếu có thỏa thuận. Tài sản thế chấp do người thứ ba chiếm giữ trong trường hợp bên thế chấp cho thuê, chuyển giao quyền bề mặt…Bên thế chấp có quyền nhận lại tài sản từ người thứ ba và giấy tờ liên quan do bên nhận thế chấp giữ khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng biện pháp thế chấp chấm dứt, hoặc các bên thảo thuận thay thế biện pháp bảo đảm khác. Khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng biện pháp thế chấp chấm dứt, thì kéo theo hợp đồng thế chấp cũng chấm dứt. Khi hợp đồng chấm dứt bên nhận thế chấp có nghĩa vụ nghĩa vụ phải trả cho bên thế chấp những giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp, mà bên thế chấp dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Nếu tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, thì bên thế chấp có quyền được bán, thay thế, trao đổi tài sản thế chấp. Trong trường hợp này, nếu tài sẩn được bán thì quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được, tài sản hình thành từ số tiền thu được là tài sản thế chấp; còn nếu tài sản được trai đổi hoặc thay thế thì tài sản được thay thế hoặc được trao đổi đương nhiên trở thành tài sản thế chấp. Dù ở trong trường hợp nào, thì vẫn phải đảm bảo có tài sản thế chấp để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ, tránh gây rủi ro cho bên nhận tài sản thế chấp. Trường hợp tài sản thế chấp là kho hàng thì bên thế chấp được quyền thay thế hàng hóa trong kho, nhưng phải bảo đảm giá trị của hàng hóa trong kho đúng như thỏa thuận. Quy định nhằm linh hoạt hơn cho bên thế chấp, trong việc định đoạt, sử dụng tài sản thế chấp. Mặc dù vậy, quy định này cũng không dễ dàng với bên nhận thế chấp, nó đòi hỏi bên nhận thế chấp phải theo sát hoạt động kinh doanh của bên thế chấp, thì mới có thể nắm được các thông tin cần thiết, để hạn chế việc bên thế chấp lợi dụng quyền hạn mà gây khó khăn, hoặc trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.
Bên thế chấp không được định đoạt tài sản thế chấp trong thời hạn thế chấp là để bảo vệ quyền, lợi ích của bên nhận thế chấp. Tuy nhiên, trên thực tế các bên có thể có thỏa thuận mới, mà tại đó các bên đều tin rằng quyền và lợi ích của mình được đảm bảo. Vì vậy, pháp luật tôn trọng quyết định cũng như ý chí của các chủ thể. Cho nên, bên thế chấp có thể bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh nếu các bên có thỏa thuận. Cho thuê, cho mượn tài sản thế chấp cũng là một cách định đoạt, sử dụng tài sản nhằm tăng nguồn thu nhập, phát huy công dụng của tài sản. Vì vậy, bên thế chấp hoàn toàn có thể cho thuê, cho mượn tài sản thế chấp. Tuy nhiên, vì có liên quan đến quyền tuy đòi tài sản từ người thứ ba, nên bên thế chấp phải thông báo cho bên thuê, bên mượn biết về việc tài sản cho thuê, cho mượn đang được dùng để thế chấp và phải thông báo cho bên nhận thế chấp biết. (Trường Đại học Luật Hà Nội (2017), Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, tập II, Nxb. Công an Nhân dân)
Điều 321. Quyền của bên thế chấp
1. Khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản thế chấp, trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức cũng là tài sản thế chấp theo thỏa thuận.
2. Đầu tư để làm tăng giá trị của tài sản thế chấp.
3. Nhận lại tài sản thế chấp do người thứ ba giữ và giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp do bên nhận thế chấp giữ khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.
4. Được bán, thay thế, trao đổi tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp này, quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được, tài sản hình thành từ số tiền thu được, tài sản được thay thế hoặc được trao đổi trở thành tài sản thế chấp.
Trường hợp tài sản thế chấp là kho hàng thì bên thế chấp được quyền thay thế hàng hóa trong kho, nhưng phải bảo đảm giá trị của hàng hóa trong kho đúng như thỏa thuận.
5. Được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật.
6. Được cho thuê, cho mượn tài sản thế chấp nhưng phải thông báo cho bên thuê, bên mượn biết về việc tài sản cho thuê, cho mượn đang được dùng để thế chấp và phải thông báo cho bên nhận thế chấp biết.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338