Language:
Quyền đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản từ người chiếm hữu ngay tình (Điều 168)
13/04/2023
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

 

Việc nắm giữ, quản lý tài sản có thể được thực hiện bởi bất kỳ chủ thể nào, tuy nhiên pháp luật chỉ bảo vệ quyền lợi cho các chủ thể chiếm hữu nếu việc chiếm hữu đó dựa trên cơ sở pháp lý do pháp luật quy định. Chiếm hữu có căn cứ pháp luật là việc kiểm soát tài sản dựa trên các quy định của pháp luật và được quy định tại Điều 165 Bộ luật Dân sự năm 2015. Như vậy, quyền chiếm hữu của chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp được pháp luật thừa nhận, bảo vệ. Khi bị xâm phạm, họ có quyền yêu cầu Tòa án xét xử để đòi tài sản từ người đang chiếm hữu không có căn cứ pháp luật. Khi tham gia tố tụng, người kiện đòi tài sản phải chứng minh tư cách sở hữu, chiếm hữu hợp pháp đối với vật đang bị chiếm giữ bất hợp pháp.

 

Kiện đòi lại tài sản là biện pháp áp dụng trong trường hợp chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản bị mất quyền chiếm hữu đối với tài sản của mình. Người bị kiện phải là người đang thực tế chiếm hữu không có căn cứ pháp luật đối với tài sản. Tài sản chỉ có thể được trả lại khi người chiếm hữu tài sản đó đang kiểm soát tài sản mà mình không có thực quyền. Đối tượng của kiện đòi lại tài sản phải là vật đang có thực, đang còn tồn tại trên thực tế.

 

Để xác định chủ sở hữu của tài sản là động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản tương đối dễ dàng, khi tham gia các giao dịch dân sự có tính chất chuyển dịch tài sản mà tài sản được chuyển dịch là động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản thì người nhận chuyển dịch cần kiểm tra người chuyển dịch tài sản cho mình có phải là chủ sở hữu hay người được chủ sở hữu ủy quyền hợp pháp không. Ngoài ra khi hoàn tất giao dịch, người nhận chuyển dịch còn phải tiến hành các thủ tục sang tên theo quy định tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì quyền sở hữu (hoặc quyền sử dụng) của họ mới được nhà nước công nhận và bảo hộ. Tại Điều 168 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản từ người chiếm hữu ngay tình, chủ sở hữu được đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản từ người chiếm hữu ngay tình, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 133 của Bộ luật Dân sự năm 2015. 

 

Chủ thể có quyền kiện đòi tài sản quy định tại Điều 166 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì người kiện đòi lại tài sản phải là chủ sở hữu của tài sản và chứng minh quyền sở hữu của mình đối với tài sản. Người kiện đòi lại tài sản cũng có thể là người có quyền khác đối với tài sản thông qua những căn cứ xác lập quyền được pháp luật quy định. Chủ sở hữu tài sản, để được coi là chủ sở hữu tài sản, tài sản phải được xác lập trên các căn cứ do pháp luật quy định. Tuy nhiên trên thực tế không phải chủ thể nào cũng có quyền sở hữu đối với một số loại tài sản nhất định; chủ thể có quyền khác đối với tài sản, quyền khác đối với tài sản được quy định tại Điều 159 Bộ luật Dân sự năm 2015 quyền khác đối với tài sản là quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác.

 

Điều 168. Quyền đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản từ người chiếm hữu ngay tình

Chủ sở hữu được đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản từ người chiếm hữu ngay tình, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 133 của Bộ luật này.

 

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338