Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định hoặc tới công chúng (sau đây gọi chung là bên được đề nghị). Các yếu tố của đề nghị giao kết hợp đồng bao gồm: Thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng; Thể hiện ý chí của bên đề nghị muốn được ràng buộc nếu bên kia chấp nhận nó; đề nghị được gửi tới đối tượng xác định cụ thể. Một lời giao kết hợp đồng quên không nêu thời hạn trả lời vẫn có thể bị xem là một đề nghị giao kết hợp đồng. Pháp luật một số nước coi rằng thời hạn trả lời trong hợp này là khoản thời gian hợp lý và do thẩm phán quyết định, căn cứ vào từng hoàn cảnh cụ thể. Tuy nhiển, đối với một đề nghị không nêu thời hạn trả lời thì người đề nghị có quyền rút lại đề nghị chừng nào chưa nhận được trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng.
Giống như việc rút lại lời đề nghị giao kết hợp đồng, bên được đề nghị khi đã quyết định chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng mà vì một lý do nào đó khiển họ có sự thay đổi quyết định, pháp luật vẫn tôn trọng và cho phép họ thay đổi, tức là rút lại thông báo chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, để đảm bảo sự công bằng cũng như lợi ích của các bên tránh trường hợp rút lại một cách tuỳ tiện gây thiệt hại cho bên đề nghị, điều kiện đặt ra trong trường hợp này là thông báo rút lại phải đến trước hoặc cùng với thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng. Tại Điều 397 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc rút lại thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng. Theo đó, bên được đề nghị giao kết hợp đồng có thể rút lại thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng, nếu thông báo về việc rút lại này đến trước hoặc cùng với thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng.
Theo quy định trên thì một trả lời được xem là chấp nhận giao kết hợp đồng có hiệu lực khi: Trả lời đó chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị, nói cách khác, việc chấp nhận vô điều kiện, nếu người trả lời không đồng ý về một điểm dù là thứ yếu của đề nghị trả lời đó được xem như là một đề nghị mới; Trả lời chấp nhận giao kết phải được thực hiện trong hạn trả lời. Nếu trả lời được thực hiện trong hạn trả lời chung vì lý do khách quan đến tay người đề nghị chậm thì căn cứ tại khoản 1, Điều 397 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định nếu bên đề nghị nhận được trả lời khi đã hết thời hạn trả lời thì chấp nhận này không còn hiệu lực và được xem như là đề nghị mới của bên đã chậm trả lời. Nếu sự chậm trễ là do nguyên nhân khách quan mà người đề nghị biết hoặc phải biết về nguyên nhân khách quan này thì chấp nhận vẫn có hiệu lực, trừ phi người đề nghị trả lời ngay không đồng ý với chấp nhận đó.
Cũng theo Bộ luật Dân sự thì cho phép người được đề nghị giao kết hợp đồng có thể rút lại thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng nếu thông báo này đến trước hoặc cùng với thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng. việc rút lại thông báo chấp nhận đề nghị không thể tiến hành tùy tiện, vì mục đích của pháp luật là điều chỉnh các vấn đề xoay quanh thỏa thuận của các bên, nhằm cân bằng lợi ích của cả hai bên trong quan hệ. Việc chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên, do đó, nếu tự ý rút lại thông báo chấp nhận sẽ gây ảnh hưởng đến lợi ích của bên đề nghị. Chính vì vậy, mà pháp luật chỉ cho phép bên được đề nghị rút lại thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng khi thông báo về việc rút lại này đến trước, hoặc cùng thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.
Điều 397. Rút lại thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng
Bên được đề nghị giao kết hợp đồng có thể rút lại thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng, nếu thông báo về việc rút lại này đến trước hoặc cùng với thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338