Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Quyền sở hữu là một quyền Hiến định, đây luôn là một trong những vấn đề trọng tâm của pháp luật luật dân sự nói riêng và của cả hệ thống pháp luật nói chung. Quyền sở hữu là quyền của duy nhất của chủ sở hữu đối với tài sản; quyền sở hữu là quyền tổng hợp của các quyền năng cụ thế đối với tài sản, đó là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật.
Theo quy định tại Điều 161 Bộ luật Dân sự năm 2015, thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản thực hiện theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; trường hợp luật không có quy định thì thực hiện theo thỏa thuận của các bên; trường hợp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là thời điểm tài sản được chuyển giao.
Thời điểm tài sản được chuyển giao là thời điểm bên có quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ chiếm hữu tài sản. Trường hợp tài sản chưa được chuyển giao mà phát sinh hoa lợi, lợi tức thì hoa lợi, lợi tức thuộc về bên có tài sản chuyển giao, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Như vậy, thời điểm xác lập quyền sở hữu sẽ theo các thứ tự xác định như sau: Theo quy định luật đối với các trường cụ thể; nếu không có quy định cụ thể của luật về thời điểm xác lập quyền thì thời điểm này do các chủ thể thỏa thuận; nếu các chủ thể không thỏa thuận thì đó là thời điểm tài sản được chuyển giao. Và thời điểm chuyển giao được giải thích là thời điểm chủ thể có quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ chiếm hữu tài sản. Đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu thì có 2 thời điểm thường được lựa chọn để xác định thời điểm xác lập quyền sở hữu là thời điểm chuyển giao về mặt pháp lý (là thời điểm sang tên chủ sở hữu) hoặc thời điểm chuyển giao về mặt thực tế (là thời điểm trực tiếp nắm giữ tài sản).
Với tài sản có được từ lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp, hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, đối với hoa lợi, lợi tức, quyền sở hữu được xác lập theo quy định của pháp luật. Cụ thể: Người lao động, người tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp có quyền sở hữu đối với tài sản có được từ lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp, kể từ thời điểm có được tài sản đó. Người tiến hành hoạt động sáng tạo có quyền sở hữu đối với tài sản có được từ hoạt động sáng tạo theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.
Đối với tài sản bị bỏ quên, không xác định được chủ sở hữu: Người nhặt được phải tiến hành thông báo công khai. Sau 01 năm, kể từ ngày thông báo công khai mà không xác định được ai là chủ sở hữu tài sản là động sản thì quyền sở hữu đối với động sản đó thuộc về người phát hiện tài sản. Sau 05 năm, kể từ ngày thông báo công khai mà không xác định được ai là chủ sở hữu tài sản là bất động sản thì bất động sản đó thuộc về Nhà nước; người phát hiện được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.
Đối với tài sản vô chủ, người đã phát hiện, người đang quản lý tài sản vô chủ là động sản thì có quyền sở hữu tài sản đó, trừ trường hợp luật có quy định khác. Nếu như tài sản vô chủ là bất động sản thì bất động sản đó sẽ thuộc về Nhà nước.
Bên cạnh đó, để bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong quan hệ dân sự, sự thống nhất trong quy định pháp luật liên quan đến thời hiệu hưởng quyền, Bộ luật Dân sự cũng đã quy định nguyên tắc chung tại Điều 236 Bộ luật Dân sự về thời hiệu xác lập quyền sở hữu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật mà không phân biệt tài sản đó thuộc sở hữu của ai, theo đó, người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự luật khác có liên quan quy định khác.
Điều 161. Thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản
1. Thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản thực hiện theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; trường hợp luật không có quy định thì thực hiện theo thỏa thuận của các bên; trường hợp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là thời điểm tài sản được chuyển giao.
Thời điểm tài sản được chuyển giao là thời điểm bên có quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ chiếm hữu tài sản.
2. Trường hợp tài sản chưa được chuyển giao mà phát sinh hoa lợi, lợi tức thì hoa lợi, lợi tức thuộc về bên có tài sản chuyển giao, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338