Hợp đồng vay tiền được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản là tiền cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay số tiền đã vay và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Tại Điều 469 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc thực hiện hợp đồng vay không kỳ hạn. Theo đó, đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý.
Nghĩa vụ trả nợ của bên vay được quy định tại Điều 466 Bộ Luật Dân sự năm 2015 có quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay. Theo đó, bên vay tài sản mà tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn thanh toán, nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng trọng lượng, chất lượng, trừ trường hợp bên vay và bên cho vay có thỏa thuận về việc bên cho vay cho phép bên vay có thể trả trễ hẹn; Đối với trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo giá trị của vật đã vay tại địa điểm trả nợ khi được bên cho vay đồng ý; Đối với những hợp đồng vay có thể hiện phần lãi thì ngoài việc phải trả các khoản nợ gốc thì phía bên vay còn phải trả cả phần lãi trong hạn và lãi quá hạn (nếu có).
(1) Trường hợp hợp đồng vay không kỳ hạn và không lãi suất theo quy định tại khoản 1, Điều 469 Bộ luật Dân sự năm 2015, thì lãi suất là tỷ lệ phần trăm tăng thêm của tài sản tính trên số tài sản cho vay theo thỏa thuận của các bên. Khi xác lập hợp đồng cho vay, các bên có thể thỏa thuận về lãi suất, theo đó, bên vay ngoài việc phải trả nợ gốc còn phải trả thêm một khoản tiền lãi được xác định dựa trên nợ gốc, lãi suất thỏa thuận và thời hạn vay. Tiền lãi được thanh toán cùng lúc khi đến hạn nợ gốc, hoặc được thanh toán theo thời hạn nhất định như ngày, tháng, quý… Đối với hợp đồng cho vay không kỳ hạn và không có lãi suất thì bên cho vay có thể đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ bất kỳ lúc nào, nhưng phải thông báo cho bên kia biết trước một khoảng thời gian hợp lý.
Đối với hình thức hợp đồng vay không kỳ hạn và không lãi suất, quyền và nghĩa vụ của các bên không bị ràng buộc bởi thời hạn hay lãi suất nên có thể tự do thực hiện. Tuy nhiên, để đảm bảo bên còn lại có thời gian chuẩn bị điều kiện để tiếp nhận hoặc thực hiện nghĩa vụ thì bên có yêu cầu phải có nghĩa vụ thông báo trước một thời hạn hợp lý cho bên kia biết. Với bên cho vay nếu muốn đòi lại tài sản, thì phải thông báo để bên vay kịp chuẩn bị trả lại tài sản, bởi nếu đòi trả ngay lập tức thì bên vay khó có thể thực hiện được.
(2) Trường hợp hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi suất theo quy định tại khoản 2, Điều 469 Bộ luật Dân sự năm 2015, thì các bên trong hợp đồng có thể không thỏa thuận về kỳ hạn của hợp đồng nhưng vẫn có thỏa thuận về lãi suất. Khi đó việc thực hiện hợp đồng của hai bên được xác định:
"Đối với bên cho vay", có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên vay một khoảng thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận tài sản. Cũng như đối với hợp đồng không kỳ hạn và không lãi suất, bên cho vay có quyền đòi lại tài sản vào bất kỳ thời điểm nào vì hợp đồng không bị ràng buộc về thời gian thực hiện. Việc đòi lại tài sản phải thông báo trước một khoảng thời gian thích hợp để bên vay có thể chuẩn bị tài sản để trả cho bên cho vay đầy đủ, đúng với số lượng, chất lượng tài sản đã vay. Vì không có thỏa thuận về kỳ hạn vay mà lãi suất được tính kể từ thời điểm bên vay nhận tài sản, đến khi bên cho vay nhận lại tài sản đó. Tức thời điểm bên cho vay đòi tài sản không phải là căn cứ tính lãi suất, mà lãi suất được tính đến thời điểm bên cho vay nhận lại tài sản trên thực tế. Vì trước khi bên cho vay nhận được tài sản, thì tài sản đó vẫn do bên vay nắm giữ, mà hợp đồng cho vay là hợp đồng thực tế.
"Đối với bên vay", bên vay có quyền trả lại tài sản bất kỳ lúc nào và chỉ trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải bảo trước cho bên vay một khoảng thời gian hợp lý. Thông thường, việc trả lãi do các bên thỏa thuận, theo đó, lãi có thể trả khi hết hạn hợp đồng, hoặc trả theo ngày, tháng… Tuy nhiên, trong trường hợp này pháp luật bắt buộc bên vay chỉ cần trả lãi khi đến thời điểm trả nợ. Bởi trong hợp đồng vay không kỳ hạn, các bên không xác định trước thời hạn vay, vì vậy lãi suất chỉ được thanh toán khi đến thời điểm trả nợ. Trên thực tế, các bên có thể thỏa thuận lãi suất theo tháng, nhưng bên vay có thể trả nợ sớm hơn nên việc xác định trước thời hạn trả lãi là không khả thi.
Điều 469. Thực hiện hợp đồng vay không kỳ hạn
1. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338