Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Khách thể của tội phạm là trật tự, an toàn công cộng và chính sách đối ngoại, quyền nhân thân của con người, nhất là các quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành của Tội bắt cóc con tin quy định tại Điều 301 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của Tội bắt cóc con tin là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 thuộc Chương XXI Bộ luật hình sự. Như vậy chủ thể của tội bắt cóc con tin phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên.
Khách thể của tội phạm:
Khách thể của tội phạm là trật tự, an toàn công cộng và chính sách đối ngoại, quyền nhân thân của con người, nhất là các quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể. Tội bắt cóc con tin là một tội danh mới, lần đầu được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015. Quy định này nhằm đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, thực thi nghiêm túc cam kết quốc tế trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm khủng bổ mà Việt Nam đã kí kết, gia nhập.
Mặt chủ quan của tội phạm:
Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội nhận thức rõ hậu quả của hành vi phạm tội nhưng vẫn cố ý thực hiện và mong muốn hậu quả nghiêm trọng xảy ra. Mục đích là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm cũng là dấu hiệu để phân biệt tội này với các tội phạm khác. Mục đích của tội phạm là cưỡng ép một quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân làm hoặc không làm một việc.
Mặt khách quan của tội phạm:
Tại Điều 1 Công ước quốc tế về bắt cóc con tin năm 1979 đã quy định: Người nào bắt giữ hoặc giam cầm và đe doạ giết, làm bị thương hoặc tiếp tục giam cầm người khác (sau đây gọi là “con tin”) nhằm mục đích cưỡng ép bên thứ ba, cụ thể là một quốc gia, một tổ chức quốc tế liên chính phủ, một pháp nhân hoặc một thể nhân hoặc một nhóm người phải làm hoặc không làm một việc nào đó như một điều kiện rõ ràng hoặc ngầm hiểu để phóng thích con tin, thì bị coi là phạm tội bắt con tin. Người nào thực hiện chưa đạt hành vi bắt con tin, hoặc tham gia với tư cách là người đồng phạm trong việc thực hiện hoặc thực hiện chưa đạt hành vi bắt con tin cũng sẽ bị coi là phạm tội theo Công ước này.
Hành vi bắt người làm con tin, người phạm tội đưa người bị bắt đến một nơi nào đó. Sau đó, người phạm tội tìm cách thông báo cho quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế hoặc cơ quan, tổ chức, người thân của nạn nhân biết. Theo đó, đối tượng yêu cầu những người được thông báo phải làm theo điều mà người phạm tội yêu cầu thì mới thả người. Bằng không, người bị bắt cóc sẽ bị nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm.
Hành vi bắt cóc con tin được thực hiên bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc bằng những thủ đoạn khác như cho uống thuốc ngủ, thuốc mê, xịt ête, lừa dối. Qua đó, đối tượng bắt được người làm con tin.
Điều luật quy định người phạm tội cưỡng ép một quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân làm hoặc không làm một việc, cưỡng ép nghĩa là ép buộc, bắt buộc, cưỡng chế thực hiện yêu cầu của người phạm tội, bên bị hại hoàn toàn không mong muốn thực hiện điều này.
Hậu quả không phải dấu hiệu bắt buộc của tội phạm, tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm có hành vi bắt cóc con tin xảy ra.
Hành vi bắt cóc con tin có sự chồng lần, giao thoa với hành vi khách quan của một số tội phạm khác như tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113) và tội khủng bố (Điều 299), do đó, để tránh chồng chéo, thuận tiện cho việc áp dụng, Điều 301 đã quy định loại trừ trường hợp quy định tại Điều 113 và 299 Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, Điều 301 còn quy định xử lý hình sự đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội bắt cóc con tin. Điều 14 Bộ luật Hình sự quy định, chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm.
Hình phạt:
- Khoản 1: Phạt tù từ 01 năm đến 04 năm.
- Khoản 2: Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
- Khoản 3: Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
- Khoản 4: Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm.
- Khoản 5: Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Điều 301. Tội bắt cóc con tin
1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người khác làm con tin nhằm cưỡng ép một quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân làm hoặc không làm một việc như một điều kiện để thả con tin, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 113 và Điều 299 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 04 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người đủ 70 tuổi trở lên;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm.
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338