Language:
Tội cản trở giao thông đường không (Điều 278)
10/07/2023
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Khách thể của Tội cản trở giao thông đường không là trật tự an toàn giao thông đường hàng không. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành của Tội cản trở giao thông đường không quy định tại Điều 278 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của Tội cản trở giao thông đường không là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Cũng tương tự như chủ thể của các tội cản trở giao thông đường bộ, đường sắt và đường thuỷ, chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt.

Khách thể của tội phạm:

Khách thể của Tội cản trở giao thông đường không là trật tự an toàn giao thông đường hàng không. Đối tượng tác động của tội phạm này là công trình giao thông đường không bao gồm: gồm sân bay, nhà ga và trang bị, thiết bị, công trình mặt đất cần thiết khác được sử dụng cho tầu bay đi và đến, thực hiện dịch vụ vận chuyển hàng không.

Mặt chủ quan của tội phạm:

Người cản trở giao thông đường không thực hiện hành vi với lỗi vô ý, có thể là vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý vì cẩu thả. Vô ý vì quá tự tin là trường hợp người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả  nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được. Vô ý vì cẩu thả là trường hợp người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Mặt khách quan của tội phạm:

Cảng hàng không là khu vực xác định, bao gồm sân bay, nhà ga và trang bị, thiết bị, công trình cần thiết khác được sử dụng cho tàu bay đi, đến và thực hiện vận chuyển hàng không.

Cảng hàng không được phân thành các loại sau đây: Cảng hàng không quốc tế là cảng hàng không phục vụ cho vận chuyển quốc tế và vận chuyển nội địa; Cảng hàng không nội địa là cảng hàng không phục vụ cho vận chuyển nội địa.

Sân bay là khu vực xác định được xây dựng để bảo đảm cho tàu bay cất cánh, hạ cánh và di chuyển. Sân bay chỉ phục vụ mục đích khai thác hàng không chung hoặc mục đích vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, thư mà không phải vận chuyển công cộng là sân bay chuyên dùng.

Tội cản trở giao thông hàng không có cấu trúc giống với cấu trúc tội cản trở giao thông đường bộ; đường sắt hay đường thủy. Nhà làm luật đã liệt kê cụ thể tất cả những hành vi bị coi là cản trở giao thông hàng không. Cản trở giao thông hàng không là gây khó khăn, trở ngại, làm cho giao thông hàng không không dễ dàng điều khiển, tiến hành. Cụ thể là các hành vi:

- Đặt chướng ngại vật;

- Di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển hiệu, tín hiệu an toàn giao thông đường không;

- Sử dụng sai hoặc làm nhiễu tần số thông tin liên lạc;

- Làm hư hỏng trang bị, thiết bị của sân bay hoặc trang bị, thiết bị phụ trợ khác phục vụ cho an toàn bay;

- Cung cấp thông tin sai đến mức gây uy hiếp an toàn của tàu bay, an toàn của hành khách, tổ bay, nhân viên mặt đất hoặc người khác tại cảng hàng không, sân bay hoặc công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng; điều khiển, đưa phương tiện mặt đất không đáp ứng điều kiện kỹ thuật vào khai thác tại khu bay;

- Có hành vi khác cản trở giao thông đường không.

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Người thực hiện hành vi khách quan chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp hậu quả nghiêm trọng xảy ra. Đó là:

(1) Làm chết người;

(2) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

(3) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

(4) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Trường hợp hậu quả nghiêm trọng chưa xảy ra nhưng người thực hiện hành vi khách quan, trước đây đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu người thực hiện hành vi khách quan lần đầu hoặc hậu quả không đáng kể thì họ không bị xử lý hình sự, tuy nhiên họ vẫn bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Hình phạt:

- Khoản 1: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

- Khoản 2: Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

- Khoản 3: Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

- Khoản 4: Cản trở giao thông đường không trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

- Khoản 5: Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Điều 278. Tội cản trở giao thông đường không

1. Người nào đặt chướng ngại vật; di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển hiệu, tín hiệu an toàn giao thông đường không; sử dụng sai hoặc làm nhiễu tần số thông tin liên lạc; làm hư hỏng trang bị, thiết bị của sân bay hoặc trang bị, thiết bị phụ trợ khác phục vụ cho an toàn bay; cung cấp thông tin sai đến mức gây uy hiếp an toàn của tàu bay, an toàn của hành khách, tổ bay, nhân viên mặt đất hoặc người khác tại cảng hàng không, sân bay hoặc công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng; điều khiển, đưa phương tiện mặt đất không đáp ứng điều kiện kỹ thuật vào khai thác tại khu bay hoặc có hành vi khác cản trở giao thông đường không gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

d) Là người có trách nhiệm trực tiếp bảo đảm an toàn giao thông đường không hoặc trực tiếp quản lý thiết bị an toàn giao thông đường không.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Cản trở giao thông đường không trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338