Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Tội chiếm giữ trái phép tài sản được hiểu là hành vi cố tình không trả lại hoặc không giao nộp tài sản bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được... Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành của Tội chiếm giữ trái phép tài sản quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của tội chiếm giữ trái phép tài sản quy định tại tất cả các khoản 1 và 2 Điều 176 Bộ luật Hình sự năm 2015 là người từ đủ 16 tuổi trở lên có đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
Khách thể của tội phạm:
Khách thể của tội phạm chiếm giữ trái phép tài sản là quyền sở hữu tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân; Đối tượng tác động của tội phạm chiếm giữ trái phép tài sản này là tài sản, bao gồm vật, tiền.
Mặt chủ quan của tội phạm:
Tội chiếm giữ trái phép tài sản được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội biết tài sản đó không thuộc quyền sở hữu, quản lý của mình, biết mình có nghĩa vụ phải trả lại cho chủ tài sản hoặc phải giao nộp cho cơ quan Nhà nước có trách nhiệm. Nhưng vì muốn biến tài sản đó thành tài sản của mình nên cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền về tài sản.
Mặt khách quan của tội phạm:
Mặt khách quan của tội chiếm giữ trái phép tài sản thể hiện bởi hành vi biến tài sản đang tạm thời không có người hoặc chưa có người quản lý thành tài sản của mình một cách trái phép dưới hình thức: Không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp tài sản bị giao nhầm; không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản mà mình tìm được hoặc bắt được.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự, thì các hành vi nêu trên chỉ bị coi là phạm tội chiếm giữ trái phép tài sản sau khi:
Thứ nhất, Chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật nhưng người chiếm giữ tài sản vẫn không trả lại hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản mà mình tìm được hoặc bắt được;
Thứ hai, Tài sản mà người phạm tội được nhận nhầm hoặc tìm được, bắt được có giá trị từ 10.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật. Di vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học. Để được coi là bảo vật quốc gia, thì hiện vật đó phải được Thủ tướng Chính phủ công nhận.
Tội phạm được hoàn thành từ thời điểm người chiếm giữ tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay thẳng không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản theo quy định của pháp luật.
Hình phạt:
- Khung 1: Quy định hình phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm áp dụng đối với người phạm tội chiếm giữ tài sản không có tình tiết tăng nặng định khung hình phạt.
- Khung 2: Quy định hình phạt từ 01 năm đến 05 năm áp dụng đối với người phạm tội chiếm giữ tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia.
Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản
1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338