Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Tội đe dọa giết người là gì?
Tội đe dọa giết người được quy định là hành vi đe dọa giết người mà hành vi đó có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành của tội Đe dọa giết người quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của tội đe dọa giết người nhất thiết phải đủ 16 tuổi trở lên, nếu dưới 16 tuổi thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này, vì khoản 1 Điều 133 là tội ít nghiêm trọng và khoản 2 Điều 133 là tội nghiêm trọng mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng đã được liệt kê cụ thể tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Khách thể của tội phạm:
Hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến quyền được bảo vệ về tính mạng của công dân.
Mặt chủ quan của tội phạm:
Người phạm tội đã thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý (cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp).
Lưu ý, trường hợp đe doạ giết người mà có động cơ mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản của người bị đe doạ thì không cấu thành tội này. Trong trường hợp này người có hành vi đe doạ giết người bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Mặt khách quan của tội phạm:
Có hành vi làm cho người bị đe doạ biết được khả năng tính mạng của họ sẽ bị xâm phạm (bị giết chết). Hành vi này được thể hiện bằng trực tiếp (như bằng lời nói trước mặt, nói trực tiếp với người bị đe doạ) hoặc bằng gián tiếp (như qua thư, qua điện thoại hoặc nhắn qua người khác).
Có căn cứ làm cho người bị đe doạ lo sợ rằng việc đe doạ này sẽ được thực hiện.
Vấn đề xác định có hay không có căn cứ cho rằng người đe doạ có khả năng sẽ hành động thực sự trên thực tế là rất khó xác định và cần phải xét một cách toàn diện trên các mặt sau: Phương pháp, thủ đoạn thực hiện hành vi đe doạ; Nguyên nhân của việc xảy ra hành vi đe doạ, mâu thuẫn giữa người có hành vi đe doạ với người bị đe doạ; Trạng thái tâm lý, xử sự của người bị đe doạ sau khi bị đe doạ; Số lần đe doạ và khả năng thực hiện các hành vi đó của người đe doạ.
Lưu ý: Người có hành vi đe doạ giết người chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu xác định được căn cứ làm cho người bị đe doạ lo sợ thực sự là việc đe doạ hoàn toàn có khả năng sẽ được thực hiện, đây là dấu hiệu bắt buộc của tội này.
Dấu hiệu cơ bản để phân biệt giữa tội đe doạ giết người (phạm tội chưa đạt) ở giai đoạn chuẩn bị là sự công khai hoặc không công khai hành vi chuẩn bị công cụ, phương tiện để thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng của người khác, cả hai tội nêu trên tội phạm đều chuẩn bị công cụ, phương tiện để thực hiện hành vi giết người.
Tuy nhiên, ở tội đe doạ giết người thì người phạm tội cố ý để cho người bị hại hoặc người khác biết và tin rằng người đó sẽ thực hiện lời đe doạ giết. Còn ở trường hợp giết người chưa đạt (Điều 93), thông thường người phạm tội thực hiện việc chuẩn bị phạm tội một cách lén lút, bí mật. Mặt khác, mục đích đe dọa của tội này khác với mục đích giết người của tội giết người.
Người phạm tội phải có hành vi làm cho người bị đe doạ lo sợ. Hành vi này chỉ có thể là hành động như bằng lời nói, cử chỉ, cách nhìn, nhưng không phải để thực hiện việc giết người mà chỉ nhằm làm cho người bị đe doạ tưởng thật là mình có thể bị giết như: mài dao, lấy súng lên đạn, viết thư, nhắn tin...
Hành vi đe doạ của người phạm tội phải làm cho người bị đe doạ thực sự tin rằng mình sẽ bị giết, tức là có căn cứ để xác định hành vi đe dọa đó sẽ được thực hiện; căn cứ này phát sinh từ phía người bị đe doạ không phải là căn cứ khách quan, đây là dấu hiệu đặc trưng của tội này, song lại là dấu hiệu khó xác định.
Nếu người phạm tội sau lời đe doạ lại thực hiện một số hành vi như tìm kiếm phương tiện giết người hoặc chuẩn bị phương tiện giết người thì phải xác định những hành động đó chỉ nhằm làm cho người bị đe doạ tưởng bị giết thật chứ không nhằm tước đoạt tính mạng người bị đe doạ.
Chính vì mục đích đó, nên hành vi có vẻ chuẩn bị này, người phạm tội cố ý để cho người bị đe doạ nhìn thấy hoặc người khác nhìn thấy mà người phạm tội biết rằng người này sẽ nói lại cho người bị đe doạ biết, còn hành vi chuẩn bị nhằm tước đoạt tính mạng của người khác, người phạm tội phải thực hiện một cách lén lút không cho ai biết, vì nếu để lộ sẽ không thực hiện được ý định giết người. Đây cũng là dấu hiệu cơ bản để phân biệt giữa tội đe doạ giết người với tội giết người ở giai đoạn chuẩn bị.
Về phía nạn nhân, nạn nhân phải thực sự lo lắng và tin rằng hành vi đe doạ của người phạm tội sẽ được thực hiện. Đối với tội đe dọa giết người, thì về cơ bản nạn nhân phải quen biết hoặc có mối quan hệ nào đó với người thực hiện hành vi bởi xuất phát từ những mục đích nhất định về tiền bạc, tình cảm hoặc các mối quan hệ khác thì mới tạo ra động cơ thúc đẩy hành vi đe dọa xảy ra. Tuy nhiên cũng có thể người phạm tội và nạn nhân không có quan hệ quen biết từ trước, mặc dù điều này trên thực tế xảy ra không nhiều.
Điều này phụ thuộc vào hoạt động tư duy của mỗi người. Chính thái độ tâm lý của người bị đe doạ là dấu hiệu buộc tội bị cáo. Việc xác định sự sợ hãi của người bị đe doạ phải căn cứ thái độ, các hoạt động của họ sau khi nhận được sự đe doạ, thời gian, hoàn cảnh, địa điểm, mối quan hệ giữa bị cáo và người bị hại. Nếu trong hoàn cảnh đó, nhiều người cho rằng sự đe doạ đó sẽ được thực hiện thì sự lo sợ của người bị hại là có căn cứ.
Người bị đe doạ có thể sợ mình bị giết và cũng có thể sợ người thân của mình bị giết miễn là họ tin rằng hành vi đe doạ của bị cáo sẽ được thực hiện.
Hậu quả của hành vi đe dọa giết người là sự lo sợ rằng việc bị giết có thể xảy ra chứ không xảy ra trên thực tế. Bởi nếu từ hành vi đe dọa được thực hiện trên thực tế, thì việc nạn nhân chết hoặc bị thương tích sẽ cấu thành tội giết người hoặc tội cố ý gây thương tích chứ không còn là tội đe dọa giết người nữa. Hành vi đe dọa phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc nạn nhân lo sợ bị giết.
Lưu ý về việc áp dụng tội Đe doạ giết người có thể tham khảo tại Chương 2 Nghị quyết 04-HĐTPTANDTC/NQ ngày 29/11/1986 quy định như sau: (1) Tội đe doạ giết người phải có hai dấu hiệu bắt buộc có hành vi đe dọa giết người; có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện; (2) Phải xác định hành vi đe dọa giết người là có thật (như: nói trực tiếp công khai là sẽ giết, giơ phương tiện như súng, dao đe dọa) và phải xem xét “căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ…”, một cách khách quan, toàn diện như: Thời gian; Hoàn cảnh; Địa điểm diễn biến; Nguyên nhân sâu xa (nếu có) và trực tiếp của sự việc; Mối tương quan giữa bên đe dọa và bên bị đe dọa (về thể lực, tuổi đời, trình độ…); (3) Nếu thông thường ai cũng phải lo lắng là sự đe dọa (về thể lực, tuổi đời, trình độ…). Nếu thông thường ai cũng phải lo lắng là sự đe dọa sẽ được thực hiện, thì đó là trường hợp lo lắng có căn cứ. Nếu cùng với hành vi đe dọa, còn có hành vi chuẩn bị giết người bị đe dọa (như mài dao, lau súng đạn…) thì xử lý các hành vi đó về tội giết người (ở giai đoạn chuẩn bị). Nếu sau khi đe dọa đã giết người bị đe dọa, thì xử lý về tội giết người. Nếu đe dọa giết người để chống người thi hành công vụ, thì xử lý về tội chống người thi hành công vụ mà không áp dụng tội đe doạ giết người.
Hình phạt của tội Đe dọa giết giết người:
- Khung 01: Có mức hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 02năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Được áp dụng trong trường hợp có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này nêu ở mặt khách quan.
- Khung 02: Có mức phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Được áp dụng trong trường hợp phạm tội đe doạ giết người thuộc một trong các trường hợp sau: Đối với nhiều người (từ hai người trở lên); đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân (xem giải thích tương tự ở tội giết người); đối với trẻ em (tức là người dưới mười sáu tuổi); để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác (Tội phạm khác là tội phạm mà người phạm tội đã thực hiện hoặc đang thực hiện).
Điều 133. Tội đe dọa giết người
1. Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đối với 02 người trở lên;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
d) Đối với người dưới 16 tuổi;
đ) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.
Đe dọa giết người trên mạng xã hội: Nếu hành vi đe dọa giết người trên mạng xã hội chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính theo điểm g khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định như sau: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
Liên hệ tư vấn và mời luật sư: 0936683699 - 0983951338