Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Tội không tố giác tội phạm xâm phạm trực tiếp đến hoạt động của cơ quan tố tụng, đến hoạt động, đến công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, có thể gây ảnh hưởng đến sự thật khách quan của vụ án. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành Tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của Tội không tố giác tội phạm phải thỏa mãn điều điện là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên.Chủ thể của tội phạm này không phải chủ thể đặc biệt. Bất kì ai cũng có thể là chủ thể của tội phạm này.
Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều nhưng không có điều nào thuộc Chương XXIV Bộ luật hình sự. Như vậy, chủ thể của Tội không tố giác tội phạm là người từ đủ 16 tuổi trở lên.
Khách thể của tội phạm:
Tội không tố giác tội phạm xâm phạm trực tiếp đến hoạt động của cơ quan tố tụng, đến hoạt động, đến công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, có thể gây ảnh hưởng đến sự thật khách quan của vụ án.
Đối tượng tác động của tội phạm này mà người phạm tội nhằm vào chỉ có thể là người phạm tội (người mà người phạm tội không tố giác), Thông qua người này (đối tượng tác động) mà người phạm tội xâm phạm đến hoạt động tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, ảnh hưởng đến việc phát hiện, điều tra, chứng minh tội phạm, vi phạm nguyên tắc xử lý là mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật.
Mặt chủ quan của tội phạm:
Tội phạm được người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp. tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện và xử lý tội phạm nhưng vẫn không tố giác.
Mặt khách quan của tội phạm:
Không tố giác tội phạm là hành vi của một người biết rõ một tội phạm đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác với cơ quan có thẩm quyền.
Khác với hành vi che giấu tội phạm, hành vi không tố giác tội phạm về lý luận gọi là “không hành động”, tức là người phạm tội không thực hiện bất cứ một hành vi nào. Không hành động là không làm một việc mà có nghĩa vụ phải làm và có thể làm được. Hành vi không tố giác tội phạm được thể hiện như: không báo cáo với cơ quan có thẩm quyền hoặc những người có thẩm quyền biết về tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà mình biết rõ.
Một người không tố giác tội phạm chỉ phải bị coi là hành vi phạm tội nếu họ có khả năng tố giác, không gặp bất cứ một trở ngại khách quan nào. Nếu vì lý do khách quan mà người không tố giác không có khả năng tố giác thì hành vi không tố giác đó không bị coi là hành vi phạm tội.
Tuy điều luật không quy định thời hạn tố giác tội phạm là bao nhiêu kể từ khi người phạm tội biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện, nhưng tinh thần chung là khi biết rõ một tội phạm đang được chuẩn bị đã phải tố giác ngay cho cơ quan có thẩm quyền hoặc người có thẩm quyền để ngăn chặn tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng không xảy ra được. Tuy nhiên, nếu một người biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện nhưng không tố giác, nhưng sau khi tội phạm đã được thực hiện họ đã tố giác với cơ quan có thẩm quyền hoặc người có thẩm quyền, và nhờ hành vi tố giác nên Cơ quan điều tra đã bắt được người phạm tội, kết thúc vụ án và đưa ra xét xử, thì người có hành vi không tố giác tội phạm đang được chuẩn bị và đang được thực hiện không phải là hành vi phạm tội.
Nếu hành vi tố giác tội phạm quá muộn, nội dung tố giác không có ý nghĩa giúp cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh tội phạm, hoặc cơ quan tiến hành tố tụng đã có đủ bằng chứng chứng minh tội phạm thì người có hành vi tố giác quá muộn đó có thể vẫn bị coi là hành vi phạm tội và tuỳ trường hợp cụ thể, căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm và hậu quả do việc tố giác quá muộn, mà người tố giác quá muộn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm.
Hậu quả của hành vi không tố giác tội phạm không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Tội phạm hoàn thành từ khi người phạm tội biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã thực hiện mà không tố giác, không phụ thuộc vào hậu quả của việc không tố giác đó.
Hình phạt:
- Khoản 1. Phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Khoản 2. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.
Điều 390. Tội không tố giác tội phạm
1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 của Bộ luật này đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338