Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Khách thể của Tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là chính sách (chế độ) nghĩa vụ quân sự của Nhà nước; xâm phạm đến hoạt động bình thường của các cơ quan hành chính Nhà nước, trong đó có các cơ quan quân sự địa phương. Tuy nhiên, đối với tội phạm này, chính sách nghĩa vụ quân sự bị xâm phạm được giới hạn bởi chính sách về đăng ký nghĩa vụ quân sự; chính sách về gọi nhập ngũ, về gọi tập trung huấn luyện. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành của Tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự quy định tại Điều 334 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của tội phạm phải thỏa mãn điều điện là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên. Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, chỉ những người có chức vụ, quyền hạn mới có thể trở thành chủ thể của tội phạm này. Người có chức vụ quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ.
Tuy nhiên, đối với tội phạm này, người có chức vụ, quyền hạn phải là người có trách nhiệm trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Chỉ những người có liên quan đến những quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự, về gọi nhập ngũ, về gọi tập trung huấn luyện mới có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.
Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều nhưng không có điều nào thuộc Chương XXII Bộ luật Hình sự. Như vậy chủ thể của Tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là người từ đủ 16 tuổi trở lên.
Khách thể của tội phạm:
Khách thể của Tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là chính sách (chế độ) nghĩa vụ quân sự của Nhà nước; xâm phạm đến hoạt động bình thường của các cơ quan hành chính Nhà nước, trong đó có các cơ quan quân sự địa phương. Tuy nhiên, đối với tội phạm này, chính sách nghĩa vụ quân sự bị xâm phạm được giới hạn bởi chính sách về đăng ký nghĩa vụ quân sự; chính sách về gọi nhập ngũ, về gọi tập trung huấn luyện.
Mặt chủ quan của tội phạm:
Cũng như đối với người phạm tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự, người phạm tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự thực hiện hành vi do cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Tức là nhận thức rõ hành vi của mình là làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, gây ảnh hưởng đến kế hoạch tổ chức thực hiện nghĩa vụ quân sự, bổ sung lực lượng nòng cốt bảo vệ đất nuốc. Người phạm tội cũng có thể thấy trước hậu quả của hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, nhưng chủ yếu là bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.
Động cơ của người phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc như đối với một số tội phạm khác do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, nhưng động cơ phạm tội cũng là dấu hiệu rất quan trọng để đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện. Mục đích của người phạm tội chính là mong muốn thoả mãn động cơ phạm tội; giữa động cơ và mục đích của tội phạm này trong nhiều trường hợp không thể tách bách được.
Mặt khách quan của tội phạm:
Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ, gọi tập trung huấn luyện.
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là người có chức vụ, quyền hạn thực hiện và hành vi làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự đó, có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của họ, nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ không thể thực hiện được hành vi làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự được.
Làm trái quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự là hành vi không làm, làm không đầy đủ hoặc làm khác với quy định về việc đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Làm trái quy định về gọi nhập ngũ là hành vi không làm, làm không đầy đủ hoặc làm khác quy định của pháp luật về việc gọi nhập ngũ. Cụ thể, tại Điều 31 Luật nghĩa vụ quân sự quy định công dân đủ tiêu chuẩn về sức khỏe mới được gọi nhập ngũ. Tuy nhiên dù C không đủ điều kiện về sức khỏe nhưng vẫn bị gọi nhập ngũ.
Làm trái quy định về gọi tập trung huấn luyện là hành vi không làm, làm không đầy đủ hoặc làm khác việc gọi tập trung huấn luyện theo quy định của pháp luật. Cụ thể, tại Điều 27 Luật nghĩa vụ quân sự 205 quy định, hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị hạng một phải tham gia huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu trong đơn vị dự bị động viên với tổng thời gian không quá 12 tháng. Nếu người có chức vụ, quyền hạn không thực hiện đúng quy định trên là làm trái quy định về gọi tập trung huấn luyện.
Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này. người phạm tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự chỉ cần có hành vi làm trái là tội phạm đã hoàn thành, không cần hậu quả đã xảy ra hay chưa xảy ra.
Hình phạt:
- Khoản 1: Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Khoản 2: Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
- Khoản 3: Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 334. Tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ, gọi tập trung huấn luyện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội trong thời chiến, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338