Language:
Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc (Điều 311)
08/08/2023
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Khách thể của tội phạm là trật tự quản lý Nhà nước đối với chất cháy, chất độc, trật tự an toàn công cộng. Đối tượng tác động của tội phạm là chất cháy, chất độc. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành của Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc quy định tại Điều 311 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc là người từ có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Chủ thể của tội này không phải chủ thể đặc biệt. Bất kì ai cũng có thể là chủ thể của tội phạm này. Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 thuộc Chương XXI Bộ luật Hình sự. Như vậy, chủ thể của Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên.

Khách thể của tội phạm:

Khách thể của tội phạm là trật tự quản lý Nhà nước đối với chất cháy, chất độc, trật tự an toàn công cộng. Đối tượng tác động của tội phạm là chất cháy, chất độc.

Theo quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy 2001, sửa đổi bổ sung năm 2013, thì "cháy" được hiểu là trường hợp xảy ra cháy không kiểm soát được có thể gây thiệt hại về người, tài sản và ảnh hưởng môi trường. "Chất nguy hiểm về cháy, nổ" là chất lỏng, chất khí, chất rắn hoặc hàng hoá, vật tư dễ xảy ra cháy, nổ. Còn Luật Hóa chất năm 2007 quy định hoá chất độc là hóa chất nguy hiểm có ít nhất một trong những đặc tính nguy hiểm sau: Độc cấp tính; độc mãn tính; gây kích ứng với con người; gây ung thư hoặc có nguy cơ gây ung thư; gây biến đổi gen; độc đối với sinh sản; tích luỹ sinh học; ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ; độc hại đến môi trường.

Mặt chủ quan của tội phạm:

Người phạm tội thực hiện hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất cháy, chất độc là do cố ý trực tiếp, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là trái phép (trừ hành vi chiếm đoạt) nhưng vẫn thực hiện. Nếu vì lý do nào đó mà người phạm tội không nhận thức được hoặc không buộc phải nhận thức được hành vi của mình là trái phép thì không thuộc trường hợp phạm tội này.

Mặt khách quan của tội phạm:

Mặt khách quan của tội phạm là hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc.

Sản xuất trái phép chất cháy, chất độc là làm ra các loại chất cháy, chất độc dưới bất kỳ hình thức nào mà không được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Tàng trữ trái phép chất cháy, chất độc là cất giữ bất hợp pháp chất cháy, chất độc ở bất cứ nơi nào như: Trong nhà ở; phòng làm việc; trụ sở cơ quan, tổ chức; phương tiện giao thông; trong túi quần áo, túi xách... mà không nhằm mục đích mua bán hay sản xuất trái phép chất cháy, chất độc hoặc vận chuyển từ này đến nơi khác. Nguồn gốc chất cháy, chất độc mà người phạm tội tàng trữ không kể do nguồn gốc nào mà có như: được tặng, cho, đào được, nhặt được... Tuy nhiên, nếu người phạm tội cất giấu chúng là vật chứng của vụ án nhằm che giấu tội phạm thì tuỳ trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ chất cháy, chất độc và tội che giấu tội phạm.

Vận chuyển trái phép chất cháy, chất độc là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp chất cháy, chất độc từ nơi này đến nơi khác, từ vị trí này sang vị trí khác, từ người này sang người khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác... bằng bất kỳ phương thức nào (trừ hình thức chiếm đoạt), nhưng đều không nhằm mục đích mua bán.

Sử dụng trái phép chất cháy, chất độc là dùng chất cháy, chất độc vào mục đích mà người sử dụng quan tâm như: đốt rừng làm nương rẫy...

Mua bán trái phép chất cháy, chất độc là bán hay mua để bán lại; vận chuyển để bán cho người khác; tàng trữ để bán lại hoặc để sản xuất ra chất cháy, chất độc để bán lại trái phép; hoặc dùng chất cháy, chất độc để đổi lấy hàng hoá hay dùng hàng hoá để đổi lấy chất cháy, chất độc. Chất cháy, chất độc mà người phạm tội có để bán cho người khác không phụ thuộc vào nguồn gốc do đâu mà có; không phụ thuộc vào đó là thật hay giả, còn tác dụng hay đã mất tác dụng.

Hậu quả không phải dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm, tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm có một trong 05 hành vi khách quan xảy ra.

Hình phạt:

- Khoản 1: Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

- Khoản 2: Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

- Khoản 3: Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

- Khoản 4: Phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

- Khoản 5: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Điều 311. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc

1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;

c) Làm chết người;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

g) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn;

b) Làm chết 02 người;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn;

b) Làm chết 03 người trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338