Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Khách thể của Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy là chế độ quản lý của Nhà nước đối với tiền chất ma tuý. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành của Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy quy định tại Điều 253 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy là người từ đủ tuổi trở lên có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định.
Khách thể của tội phạm:
Khách thể của Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy là chế độ quản lý của Nhà nước đối với tiền chất ma tuý. Bởi hiện nay, việc tàng trữ, vận chuyển, mua bán… một số tiền chất ma tuý để sản xuất sản phẩm chủ yếu trong lĩnh vực y tế nhằm mục đích chữa bệnh dưới dạng thuốc tân dược và được quy định rất chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu quản lý, bán và sử dụng.
Mặt chủ quan của tội phạm:
Người phạm tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý thực hiện hành vi phạm tội của mình do lỗi cố ý trực tiếp, tức là nhận thức rõ hành vi của mình bị pháp luật cấm, thấy trước được tác hại của hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý nhưng vẫn thực hiện.
Mục đích của người phạm tội là dấu hiệu bắt buộc, nếu không chứng minh được người phạm tội biết dùng tiền chất vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý thì không truy cứu trách nhiệm hình sự họ về Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý được mà tuỳ trường hợp cụ thể họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm sở hữu nếu hành vi của họ cấu thành các tội phạm đó.
Mặt khách quan của tội phạm:
Hành vi khách quan của Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy cũng tương tự như hành vi khách quan của tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý quy định tại Điều 252 Bộ luật hình sự.
Tàng trữ trái phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý là cất giữ bất hợp pháp tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý ở bất cứ nơi nào như: Trong nhà ở; phòng làm việc; trụ sở cơ quan, tổ chức; phương tiện giao thông; trong túi quần áo, túi xách... mà không nhằm mục đích mua bán hoặc vận chuyển từ nơi này đến nơi khác mà chỉ nhằm mục đích sản xuất trái phép chất ma tuý.
Vận chuyển trái phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp chất ma tuý từ nơi này đến nơi khác, từ vị trí này sang vị trí khác, từ người này sang người khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác... bằng bất kỳ phương thức nào (trừ hình thức chiếm đoạt), nhưng đều không nhằm mục đích mua bán mà chỉ nhằm mục đích dùng tiền chất đó vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý.
Mua bán trái phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý là bán hay mua để bán lại; vận chuyển tiền chất để bán cho người khác; tàng trữ để bán lại nhằm dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý; hoặc dùng tiền chất để đổi lấy hàng hoá hay dùng hàng hoá để đổi lấy tiền chất.
Bán trái phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý cho người khác là dùng tiền chất mà mình có dưới bất kỳ hình thức nào như: mua được, xin được, nhặt được, người khác gửi hoặc chiếm đoạt được để bán cho người khác lấy tiền hoặc lấy tài sản.
Mua tiền chất nhằm bán lại trái phép cho người khác là dùng tiền hoặc tài sản để đổi lấy tiền chất và dùng tiền chất đó bán cho người khác lấy tiền hoặc tài sản. Chỉ khi nào xác định rõ mục đích của người phạm tội mua tiền chất đó là nhằm bán lại nhằm dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý thì mới truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý. Việc xác định này, là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng, căn cứ vào các tình tiết của vụ án.
Xin tiền chất ma tuý nhằm bán trái phép cho người khác là bằng lời nói hoặc hành động để người khác cho mình tiền chất rồi dùng tiền chất đó đem bán cho người khác lấy tiền hoặc tài sản khác. Việc xin tiền chất ma tuý nhằm bán lại cho người khác trong thực tế xảy ra nhiều, vì người cho tiền chất thường bị người xin nói dối là sẽ dùng vào việc khác chứ không dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý.
Tàng trữ tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý nhằm bán trái phép cho người khác là hành vi cất giữ trái phép tiền chất sau đó đem bán tiền chất đó cho người khác.
Vận chuyển tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý để bán trái phép cho người khác cũng giống như hành vi vận chuyển trái phép tiền chất, chỉ khác hành vi vận chuyển trái phép tiền chất ở chỗ người phạm tội không chỉ vận chuyển mà còn bán tiền chất mà mình vận chuyển cho người khác.
Nếu không chứng minh được người phạm tội có mục đích bán tiền chất mà họ vận chuyển cho người khác thì chỉ định tội là vận chuyển trái phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý, còn nếu chứng minh được người phạm tội có mục đích bán tiền chất mà họ vận chuyển trái phép thì định tội là vận chuyển, mua bán trái phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý.
Nếu biết người khác mua bán trái phép tiền chất mà vẫn tàng trữ, vận chuyển thì bị coi là hành vi giúp sức người mua bán và bị định tội là mua bán tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý với vai trò giúp sức.
Nếu hành vi vận chuyển tiền chất không trái phép và người vận chuyển tiền chất đó lại bán cho người khác một cách trái phép thì phải định tội là “chiếm đoạt, mua bán trái phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý”.
Cũng coi là hành vi mua bán trái phép tiền chất, nếu dùng tiền chất để trao đổi, để thanh toán trái phép hoặc dùng tài sản (không phải là tiền) đem trao đổi, thanh toán lấy tiền chất để bán lại trái phép cho người khác.
Khi xác định hành vi mua bán trái phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý cần chú ý một số vấn đề sau:
Tiền chất mà người phạm tội có để bán cho người khác không phụ thuộc vào nguồn gốc do đâu mà có; không phụ thuộc vào tiền chất đó là thật hay giả, tốt hay xấu.
Trong trường hợp người phạm tội vừa có hành vi mua bán trái phép tiền chất và kèm theo các hành vi khác như tàng trữ, vận chuyển hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà định tội là tàng trữ, mua bán trái phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý; vận chuyển, mua bán trái phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý; chiếm đoạt, mua bán trái phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý” hay tội danh đầy đủ là tàng trữ, vận chụyển, chiếm đoạt, mua bán trái phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý.
Chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý là hành vi cướp tiền chất, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tiền chất, cưỡng đoạt tiền chất, cướp giật tiền chất, công nhiên chiếm đoạt tiền chất, trộm cắp tiền chất, lừa đảo chiếm đoạt tiền chất, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tiền chất, tham ô tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý.
Hành vi chiếm đoạt tiền chất cũng tương tự như hành vi chiếm đoạt tài sản, tức là người phạm tội phải có ý thức chiếm đoạt trước, trong khi thực hiện thủ đoạn chiếm đoạt.
Nếu người phạm tội không có ý thức chiếm đoạt tiền chất hoặc không chứng minh được ý thức chiếm đoạt tiền chất mà chỉ nhằm chiếm đoạt tài sản, nhưng sau khi chiếm đoạt được tài sản mới biết trong tài sản còn có tiền chất nhưng người phạm tội vẫn cất giữ, vận chuyển hoặc mua bán thì không bị coi là hành vi chiếm đoạt tiền chất, mà tuỳ trường hợp cụ thể người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội có tính chất chất chiếm đoạt (cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cướp giật tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, trộm cắp tài sản...) và tội tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán trái phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý.
Nếu ngay sau khi chiếm đoạt tài sản người phạm tội mới biết trong tài sản có tiền chất và đem tiền chất đó nộp cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì không coi là hành vi chiếm đoạt tiền chất mà chỉ bị coi là chiếm đoạt tài sản.
Nếu mục đích ban đầu là chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý, nhưng khi thực hiện hành vi chiếm đoạt thì lại không có tiền chất mà chỉ có tài sản thì người phạm tội vấn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép ma tuý.
Nếu người phạm tội không có mục đích rõ rệt là sẽ chiếm đoạt cái gì (cái gì cũng được) nhưng khi chiếm đoạt lại là tiền chất và dùng tiền chất đó vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép ma tuý. Nhưng nếu không dùng tiền chất đó vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý thì người phạm tội chỉ bị coi là chiếm đoạt tài sản.
Hậu quả của Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý không phải là yếu tố bắt buộc để định tội. Những thiệt hại do hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý gây ra cho xã hội chính là những thiệt hại phi vật chất (chính sách quản lý của Nhà nước đối với các chất ma tuý). Riêng đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý còn gây ra hậu quả là có một hoặc một số chất ma tuý được sản xuất ra làm tăng số lượng chất ma tuý trong xã hội.
Số lượng tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất chất ma tuý mà người phạm tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt cũng được coi là hậu quả của tội phạm, nhưng hậu quả này chỉ là những thiệt hại gián tiếp cho xã hội và đã là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt, số lượng càng lớn thì thiệt hại cho xã hội càng nhiều và người phạm tội bị phạt càng nặng.
Hình phạt:
- Khoản 1: Phạt tù từ 01 năm đến 06 năm.
- Khoản 2: Phạt tù từ 06 năm đến 13 năm.
- Khoản 3: Phạt tù từ 13 năm đến 20 năm.
- Khoản 4: Phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân.
- Khoản 5: Trường hợp phạm tội có cả tiền chất ở thể rắn và tiền chất ở thể lỏng thì được quy đổi để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, với tỷ lệ 01 gam tiền chất ở thể rắn tương đương với 1,5 mililít tiền chất ở thể lỏng. Sau khi quy đổi, số lượng tiền chất thuộc khoản nào, thì người thực hiện hành vi phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản đó.
- Khoản 6 - Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 253. Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 50 gam đến dưới 200 gam;
c) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích từ 75 mililít đến dưới 300 mililít.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 200 gam đến dưới 500 gam;
e) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích từ 300 mililít đến dưới 750 mililít;
g) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
h) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:
a) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 500 gam đến dưới 1.200 gam;
b) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích từ 750 mililít đến dưới 1.800 mililít.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng 1.200 gam trở lên;
b) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích 1.800 mililít trở lên.
5. Trường hợp phạm tội có cả tiền chất ở thể rắn và tiền chất ở thể lỏng thì được quy đổi để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, với tỷ lệ 01 gam tiền chất ở thể rắn tương đương với 1,5 mililít tiền chất ở thể lỏng. Sau khi quy đổi, số lượng tiền chất thuộc khoản nào, thì người thực hiện hành vi phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản đó.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338