Language:
Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai (Điều 228)
19/05/2023
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

 

Khách thể của tội phạm là trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực về sử dụng đất đai. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành của Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai quy định tại Điều 228 Bộ luật Hình sự năm 2015.

 

Chủ thể của tội phạm:

 

Chủ thể của hành vi vi phạm quy định về sử dụng đất đai là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự. Đối với chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, tuy nhiên người phạm tội này hầu hết là những người sử dụng đất đai.

 

Khách thể của tội phạm:

 

Khách thể của tội phạm là trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực về sử dụng đất đai.

 

Mặt chủ quan của tội phạm:

 

Người phạm tội vi phạm quy định về sử dụng đất đai thực hiện hành vi của mình là do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình là vi phạm quy định của Nhà nước về sử dụng đất đai gây ra hậu quả nghiêm trọng, mong muốn cho hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.

 

Mặt khách quan của tội phạm:

 

Hành vi khách quan của tội này là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, thể hiện dưới các dạng:

 

(1) Hành vi lấn chiếm đất trái với quy định về quản lí, sử dụng đất đai. Đây là hành vi lấn chiếm đất thuộc quyền quản lí, sử dụng của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội hoặc cá nhân khác như lấn chiếm đất thuộc các công trình di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo đã được Nhà nước công nhận.

 

(2) Hành vi chuyển quyền sử dụng đất trái với quy định về quản lí, sử dụng đất đai như: chuyển nhượng, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất trái phép…

 

(3) Hành vi sử dụng đất trái với quy định về quản lí, sử dụng đất đai như đã khai thác bừa bãi, không đúng mục đích làm xói mòn, biến chất đất hoặc cố ý hủy hoại đất làm ô nhiễm đất…; Cơ sở pháp lí để xác định hành vi vi phạm các quy định về quản lí và bảo vệ đất đai là các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ban hành quy định về chế độ quản lý và sử dụng đất đai.

 

(4) Hành vi vi phạm các quy định về quản lí và sử dụng đất đai nói trên bị coi là tội phạm trong trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

 

Theo quy định của Điều 228 Bộ luật Hình sự năm 2015, căn cứ để xác định hành vi khách quan nói trên bị coi là tội phạm nếu kèm theo dấu hiệu “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”. Quy định như trên của Bộ luật Hình sự  năm 2015 nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc áp dụng luật của các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực tế.

 

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Trường hợp thực hiện hành vi khách quan lần đầu, người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vẫn bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

 

Hình phạt:

 

- Khung 1: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

 

- Khung 2: Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

 

- Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

 

Điều 228. Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai

1. Người nào lấn chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc sử dụng đất trái với các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

 

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338