Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Tại Điều 358 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định trách nhiệm do không thực hiện hoặc không được thực hiện một công việc. Theo đó, trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện một công việc mà mình phải thực hiện thì bên có quyền có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện hoặc tự mình thực hiện hoặc giao người khác thực hiện công việc đó và yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán chi phí hợp lý, bồi thường thiệt hại. Khi bên có nghĩa vụ không được thực hiện một công việc mà lại thực hiện công việc đó thì bên có quyền được quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải chấm dứt việc thực hiện, khôi phục tình trạng ban đầu và bồi thường thiệt hại.
Theo quy định, công việc phải thực hiện có thể hiểu là những hoạt động thể hiện thông qua hành vi cụ thể mà một bên mong muốn xác lập quan hệ nghĩa vụ để bên còn lại thực hiện nghĩa vụ này, qua đó, bên yêu cầu có thể thỏa mãn được các lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần của mình. Các bên có thể thỏa thuận công việc phải thực hiện là vận chuyển, trông giữ tài sản, cung cấp dịch vụ… mà bên có nghĩa vụ không thực hiện thì tức đã vi phạm nghĩa vụ. Việc vi phạm nghĩa vụ do không thực hiện công việc là hành vi vi phạm nghĩa vụ, do đó, bên vi phạm phải chịu trách nhiệm dân sự.
Đối chiếu quy định trên có thể thấy, khi vi phạm nghĩa vụ bên vi phạm sẽ phải tiếp tục thực hiện công việc theo yêu cầu của bên có quyền bằng cách tự mình thực hiện hoặc giao cho người khác thực hiện. Bên có quyền không quan tâm chủ thể thực hiện nghĩa vụ là ai, miễn sao công việc đó được thực hiện đầy đủ để mang lại lợi ích cho bên có quyền. Do đó, nếu bên có nghĩa vụ không thể tự mình thực hiện công việc, thì có thể giao cho người khác làm, điều được xem là hợp pháp. Quy định như vậy nhằm linh hoạt cho bên có nghĩa vụ trong trường hợp không thể tự mình thực hiện công việc, mà vẫn đáp ứng lợi ích cho bên có quyền. Bên cạnh đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại luôn đi kèm với hành vi vi phạm thực hiện nghĩa vụ. Thông thường, có hành vi vi phạm thì sẽ có thiệt hại xảy ra, mà theo nguyên tắc chung, bên vi phạm mà gây thiệt hại cho bên còn lại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại và các chi phí hợp lý.
Đối với công việc không được thực hiện có thể hiểu là những hoạt động không thông quan hành vi, tức thể hiện dưới dạng không hành đồng mà các bên đã thỏa thuận để thỏa mãn các nhu cầu lợi ích của mình. Việc bên có nghĩa vụ không thực hiện một công việc nhằm đáp ứng cho lợi ích của bên có quyền, tương tự, nếu bên có nghĩa vụ thực hiện công việc đó thì sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bên có quyền. Do đó, nếu quan hệ nghĩa vụ có đối tượng là công việc không phải thực hiện, mà bên có nghĩa vụ vẫn thực hiện thì bị xem là vi phạm nghĩa vụ và phải chịu trách nhiệm dân sự.
Còn trách nhiệm mà bên có nghĩa vụ phải chịu là dừng ngay công việc đang thực hiện, khôi phục lại tình trạng ban đầu và bồi thường thiệt hại xảy ra khi bên có quyền yêu cầu. Bằng cách đứng công việc đang thực hiện lại là bên có nghĩa vụ đang chịu trách nhiệm tiếp tục thực hiện nghĩa vụ. Vì đối tượng là công việc không được thực hiện, vì vậy, nghĩa vụ của bên mang nghĩa vụ là không thực công việc. Bên cạnh đó, cũng như những nghĩa vụ khác, nếu vì hành vi vi phạm của bên có nghĩa vụ mà gây thiệt hại cho bên có quyền, thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại và khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản bị ảnh hưởng. (Nguyễn Văn Cừ - Trần Thị Huệ, 2017, Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Công an nhân dân).
Điều 358. Trách nhiệm do không thực hiện hoặc không được thực hiện một công việc
1. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện một công việc mà mình phải thực hiện thì bên có quyền có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện hoặc tự mình thực hiện hoặc giao người khác thực hiện công việc đó và yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán chi phí hợp lý, bồi thường thiệt hại.
2. Khi bên có nghĩa vụ không được thực hiện một công việc mà lại thực hiện công việc đó thì bên có quyền được quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải chấm dứt việc thực hiện, khôi phục tình trạng ban đầu và bồi thường thiệt hại.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338