Luật sư Hà Thị Khuyên
Thông tin ban đầu, ngày 24/7/2023, mạng xã hội lan truyền clip ghi cảnh một người đàn ông vô cớ cầm dao sang nhà hàng xóm rồi tấn công một người đàn ông trong nhà. Theo nội dung bài đăng, sự việc xảy ra sáng 21/7/2023. Anh H.Q.L. (người đăng bài viết) cho biết anh và gia đình sống ở tầng 6, tòa B, chung cư The Light (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Sáng 21/7/2023, khi con trai tranh ghế ngồi với em, anh đã đã nói to với con. Sau đó, anh đi ra cửa thì bất ngờ bị một người đàn ông khoảng 60 tuổi cầm dao lao vào đâm trực diện. (Link thông tin https://danviet.vn/nguoi-dan-ong-vo-co-cam-dao-tan-cong-hang-xom-o-ha-noi-20230724110420401.htm)
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hà Thị Khuyên - Văn phòng Luật sư Nhân Chính cho biết, qua dữ liệu camera và lời nhân chứng kể lại thì có thể thấy hành vi của người đàn ông cầm dao tấn công chủ căn hộ khác rất hung hãn, may mắn chưa có hậu quả thương tích xảy ra, cơ quan công an cần vào cuộc xác minh sự việc.
Theo thông tin ban đầu công an phương cho báo chí biết hành vi của đối tượng diễn ra từ trước, nhiều người từng là nạn nhân bị đối tượng thực hiện hành vi đe dọa, uy hiếp, đối tượng ở một mình, hành vi có dấu hiệu bất thường nên hiện tại chưa có căn cứ xử lý, công an phường đang liên hệ với gia đình để xác minh làm rõ.
Trong sự việc này cơ quan công an bước đầu sẽ xác định nguyên nhân xảy ra sự việc, diễn biến hành vi và hậu quả xảy ra là gì thông qua lời khai của nạn nhân, các nhân chứng và trích xuất dữ liệu camera, làm rõ khả năng nhận thức, nếu có dấu hiệu không bình thường về mặt nhận thức rất có thể cơ quan công an cũng sẽ trưng cầu giám định tâm thần đối với đối tượng này để có căn cứ xem xét trách nhiệm pháp lý.
Tại Điều 21 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Để xác định chính xác người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có mắc bệnh tâm thần hay không, Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 yêu cầu đây là một trong những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định (theo khoản 1 Điều 206). Một người vì mắc bệnh tâm thần nên họ bị mất khả năng điều khiển và người đó bị mất khả năng điều khiển do họ mắc bệnh tâm thần. Bệnh lý của người thực hiện hành vi phạm tội phải được một Hội đồng giám định pháp y về tâm thần do Bộ luật tố tụng Hình sự quy định tiến hành giám định, xác định và kết luận bằng một bản Kết luận giám định pháp y tâm thần. Bản kết luận giám định là căn cứ để các Cơ quan tố tụng xem xét trách nhiệm hình sự của họ.
Ngoài ra tại Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015, người bị bệnh tâm thần chỉ được miễn trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong trong lúc đang mắc bệnh. Còn nếu người đó thực hiện hành vi phạm tội trong trạng thái hoàn toàn bình thường mà trước khi bị kết án mới lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc mất điều khiển hành vi thì sẽ được xác định theo khoản 2 Điều 49 Bộ luật Hình sự năm 2015. Nghĩa là, người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã lâm vào tình trạng mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa người phạm tội vào một cơ sở điều trị để được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh và sau khi khỏi bệnh, người đó phải chịu trách nhiệm hình sự.
Đối chiếu quy định pháp luật nêu trên, nếu trường hợp đối tượng bị tâm thần thì sẽ được miễn trách nhiệm hình sự, nhưng sẽ bị bắt buộc chữa bệnh.
Trường hợp sau khi trưng cầu giám định tâm thần mà đối tượng được kết luận không có dấu hiệu tâm thần, có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, hành vi xảy ra nhiều lần, tính chất mức độ nguy hiểm qua camera có thể quan sát thấy hành vi dùng hung khí là dao tấn công khá dứt khoát và đâm thẳng vào người nạn nhân, việc nạn nhân theo phản xạ tránh được nhát dao chí mạng đó nằm ngoài ý thức chủ quan của đối tượng, vì vậy đối tượng vẫn sẽ bị xử lý về một trong 02 tội Cố ý gây thương tích quy định tại Điều 134 hoặc Tội giết người quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015, thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.
Cụ thể phạm tội chưa đạt được quy định tại Điều 15 Bộ luật Hình sự năm 2015 là trường hợp cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Do nguyên nhân khách quan, không nằm trong ý muốn của người phạm tội nên người phạm tội không đạt được hậu quả phạm tội mà mình muốn thực hiện.
Tại Điều 57 Bộ luật Hình sự 2015 quy định quyết định hình phạt trong trường hợp phạm tội chưa đạt, hình phạt được quyết định theo các điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng. Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.
Qua diễn biến hành vi của đối tượng có thể thấy, nếu không có biện pháp ngăn chặn rất có thể đối tượng sẽ tiếp tục thực hiện hành vi, gây nguy hiểm và bất an cho cư dân sống ở khu vực này. Vì vậy phía Ban quản lý tòa nhà và công an phường sở tại cần xuống trực tiếp can thiệp, nhắc nhở, nếu tiếp tục vi phạm nội quy sử dụng căn hộ chung cư như gây mất trật tự, gây nguy hiểm tới sức khỏe tính mạng của cư dân sống tại khu vực này thì phía công an và chính quyền có thể xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quy chế quản lý và sử dụng căn hộ chung cư. Trường hợp này trong thời gian chờ công an quận giải quyết phía công an phường cần phối hợp với gia đình và Ban quản lý tòa nhà giám sát chặt chẽ đối tượng này.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338