Luật sư Hà Thị Khuyên
Theo thông tin báo chí đưa tin, do có hành vi chặn đường, đánh dã man bạn học cùng lớp với con nên Phan Thượng Mỹ (sinh năm 1979) đã bị công an huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) khởi tố, bắt tạm giam. Phan Thượng Mỹ bị bắt tạm giam 3 tháng để điều tra hành vi gây thương tích đối với em L.G.K., học sinh lớp 9 trường THCS thị trấn La Hà. Theo điều tra ban đầu của Công an huyện Tư Nghĩa, trong quá trình học tập tại trường, em K. và con ông Phan Thượng Mỹ có nảy sinh mâu thuẫn. Trưa 8/12/2023, ông Mỹ đi theo em K. từ trường THCS thị trấn La Hà đến đoạn ngã tư đường Đá Sơn - Hưng Nguyên. Tại đây, ông Mỹ dừng xe, dùng cùi chỏ, đầu gối đánh liên tiếp vào đầu của em K. Bị đánh, K. có biểu hiện choáng, gục xuống đường. Người dân địa phương đưa em K. đến bệnh viện cấp cứu. Toàn bộ sự việc được camera an ninh gần đó ghi lại. (Link thông tin https://vnexpress.net/nguoi-chan-danh-ban-hoc-cua-con-bi-bat-4690464.html)
Phóng viên hỏi luật sư: Hành vi của đối tượng Phan Thượng Mỹ sẽ bị xử lý ra sao và hành vi cố ý gây thương tích với người dưới 16 tuổi có được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự không?
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hà Thị Khuyên - Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, hành vi của vị phụ huynh này là rất đáng lên án, xuất phát từ mâu thuẫn giữa học sinh với nhau thay vì đưa sự việc lên Nhà trường để có biện pháp can thiệp giáo dục thì vị phụ huynh này đã sử dụng vũ lực để bênh vực con mình, đây là hành vi phản giáo dục không những bênh vực con thái quá mà sẽ khiến con em mình nhìn nhận lệch lạc cứ có mâu thuẫn là nhờ phụ huynh can thiệp giải quyết bằng vũ lực, vô tình đẩy tình trạng bạo lực học đường gia tăng.
Hiện nay pháp luật quy định hành vi sử dụng vũ lực để xâm phạm sức khoẻ, tính mạng của người khác là hành vi bị nghiêm cấm. Vì thế người nào có hành vi dùng vũ lực gây thương tích cho người khác thì tuỳ tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính và bồi thường dân sự do có hành vi xâm phạm sức khoẻ của người khác.
Qua thông tin ban đầu và diễn biến sự việc cho thấy cơ quan công an đã khởi tố vị phụ huynh và bắt tạm giam vị phụ huynh này về hành vi cố ý gây thương tích. Việc khởi tố và tạm giam căn cứ vào hậu quả hành vi xảy ra, cụ thể là căn cứ vào kết quả trưng cầu giám định thương tích của em học sinh, từ dữ liệu camera an ninh và từ lời khai của các bên cung cấp để củng cố hồ sơ xử lý vị phụ huynh này theo Tội cố ý gây thương tích quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ nhặt giữa các em học sinh với nhau, nhưng người phụ huynh này đã sẵn sàng sử dụng vũ lực để hành hung dã man gây nên thương tích trầm trọng cho học sinh, thậm chí gây sang chấn tâm lý cho em học sinh này, hành vi này là hành vi “có tính chất côn đồ” theo quy định tại điểm i, khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, tình tiết này sẽ được cơ quan điều tra áp dụng là tình tiết định khung.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ xác định tuổi của học sinh bị đánh để có căn cứ áp dụng tình tiết phạm tội với “người dưới 16 tuổi”. Luật trẻ em năm 2016 quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi, là chủ thể đặc biệt được pháp luật bảo vệ, vì thế một số tội danh trong Bộ luật Hình sự xem hành vi phạm tội với người dưới 16 tuổi là tình tiết định khung của tội danh và là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo điểm i, khoản 1, Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015, nếu áp dụng tình tiết này thì chỉ áp dụng 1 lần theo nguyên tắc một hành vi chỉ bị xử lý 1 lần, vì thế không áp dụng đồng thời cả 2 tình tiết “phạm tội với người dưới 16 tuổi” tại Điều 134 và Điều 52 Bộ luật Hình sự. Trong vụ án này nếu tại thời điểm bị vị phụ huynh có hành vi hành hung nếu em học sinh chưa đủ 16 tuổi thì vị phụ huynh này còn phải đối diện với tình tiết định khung “phạm tội với người dưới 16 tuổi” theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Bên cạnh trách nhiệm hình sự, vị phụ huynh có hành vi xâm phạm sức khoẻ học sinh nêu trên còn phải thực hiện trách nhiệm bồi thường cho em học sinh nêu trên theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015, các khoản bồi thường bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338