Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Tước một số quyền công dân là một trong các loại hình phạt được quy định rất sớm trong luật hình sự Việt Nam. Với tính chất là một hình phạt bổ sung, tước một số quyền công dân là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc của Nhà nước được quy định trong Bộ luật Hình sự do Tòa án áp dụng đối với người bị kết án tù có thời hạn về một trong những tội được Bộ luật Hình sự quy định với nội dung không cho họ sử dụng một hoặc một số quyền công dân quan trọng nhất định nhằm ngăn ngừa họ sử dụng các quyền đó để phạm tội. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích về quy định "Tước một số quyền công dân" tại Điều 44 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tước một số quyền công dân là một trong các loại hình phạt được quy định rất sớm trong luật hình sự Việt Nam. Với tính chất là một hình phạt bổ sung, tước một số quyền công dân là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc của Nhà nước được quy định trong Bộ luật Hình sự do Tòa án áp dụng đối với người bị kết án tù có thời hạn về một trong những tội được Bộ luật Hình sự quy định với nội dung không cho họ sử dụng một hoặc một số quyền công dân quan trọng nhất định nhằm ngăn ngừa họ sử dụng các quyền đó để phạm tội.
Khoản 1 Điều 44 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định các quyền công dân và các đối tượng bị tước các quyền công dân đó. Quyền công dân là cơ sở chủ yếu để xác định địa vị pháp lý của công dân, là cơ sở cho mọi quyền và nghĩa vụ cụ thể của công dân. Quyền công dân là những quyền mà Nhà nước trao cho cá nhân mang quốc tịch nước mình. Chương II của Hiến pháp năm 2013 quy định các quyền cơ bản của công dân về các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội như: Quyền bầu cử, ứng cử vào cơ quan quyền lực nhà nước, quyền tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, quyền tự do kinh doanh, tự do lựa chọn nghề nghiệp, việc làm, tự do ngôn luận, tự do lập hội, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, chỗ ở, quyền khiếu nại, tố cáo... Nhưng nội dung của hình phạt tước một số quyền công dân chỉ là tước bỏ một hoặc một số quyền cơ bản về chính trị của người phạm tội đó là:
- Tước quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước: Tòa án không cho người bị kết án ứng cử vào cơ quan quyền lực nhà nước là Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Trong thời gian bị tước quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước, người chấp hành án không được tham gia ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước.
- Tước quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước: Tòa án không cho người bị kết án làm việc trong cơ quan nhà nước bao gồm cơ quan dân cử, cơ quan tư pháp, cơ quan hành pháp. Theo đó, người bị kết án không được phép dự tuyển để vào làm trong các cơ quan nhà nước; không được tiếp tục làm việc trong bất cứ cơ quan nhà nước nào từ trung ương đến địa phương dưới bất kỳ hình thức nào (cán bộ, công chức, nhân viên hợp đồng…).
Trường hợp người chấp hành án đang là cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước mà bị tước quyền làm việc trong cơ quan nhà nước thì cơ quan nơi người đó làm việc phải ra quyết định hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định buộc thôi việc hoặc đình chỉ công tác trong thời hạn bị tước quyền làm việc trong cơ quan nhà nước đối với người đó.
- Tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân: Tòa án không cho người bị kết án làm việc trong các đơn vị thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Trong thời gian bị tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân, người chấp hành án không được đăng ký nghĩa vụ quân sự; dự tuyển hoặc tiếp tục làm công chức, viên chức, công nhân quốc phòng trong Quân đội nhân dân; dự tuyển hoặc tiếp tục phục vụ trong Công an nhân dân.
Trường hợp người chấp hành án đang là quân nhân, công chức, viên chức, công nhận quốc phòng trong Quân đội nhân dân hoặc đang phục vụ trong cơ quan, đơn vị Công an nhân dân mà bị tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân thì cơ quan, đơn vị nơi người đó làm việc phải ra quyết định hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định buộc người đó ra khỏi lực lượng vũ trang nhân dân.
Theo khoản 1 Điều 44 Bộ luật Hình sự năm 2015, đối tượng bị áp dụng hình phạt này phải thỏa mãn các điều kiện:
(1) Người bị kết án phải là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên (vì khoản 6 Điều 93 BLHS quy định không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội). Hình phạt này không được áp dụng đối với bị cáo là người nước ngoài, người không quốc tịch.
(2) Người bị kết án phải là người bị phạt tù về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia (Chương XIII Bộ luật Hình sự) hoặc một số tội phạm khác được Bộ luật Hình sự quy định.
Theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Hình sự thì tước một số quyền công dân là hình phạt có thể được áp dụng đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Như vậy, hình phạt bổ sung này không phải là hình phạt bắt buộc. Khi quyết định có áp dụng hình phạt này hay không, Tòa án phải cân nhắc kỹ tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và yêu cầu của phòng ngừa tái phạm.
Nhìn chung, hình phạt này chỉ nên áp dụng, nếu các tình tiết của vụ án và nhân thân của họ cho thấy rõ nguy cơ là người đó trong tương lai có thể sẽ sử dụng các quyền chính trị của mình, bao gồm các quyền quy định tại Điều 44 Bộ luật Hình sự năm 2015 để tiếp tục phạm tội.
Khi quyết định tước một hoặc một số quyền công dân, Tòa án phải căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cũng như yêu cầu phòng ngừa tái phạm.
Khoản 2 Điều 44 Bộ luật Hình sự năm 2015 xác định thời hạn tước một số quyền công dân là 01 năm đến 05 năm. Thời điểm để tính thời hạn là từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, nếu người bị kết án được cho hưởng án treo. Tác giả cho rằng, đối với người bị phạt tù cho hưởng án treo không nên quy định áp dụng kèm theo hình phạt này. Bởi vì, khi cân nhắc cho người bị kết án tù được hưởng án treo theo Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015, Tòa án đã đánh giá toàn diện những tình tiết khác nhau của vụ án, nhất là đặc điểm nhấn thân của người bị kết án và nhận thấy rằng không cần cách ly người này ra khỏi cuộc sống xã hội mà vẫn có khả năng thực hiện được mục đích của hình phạt, họ không có khả năng gây hại cho xã hội nữa. Vì thế, việc áp dụng hình phạt tước một số quyền công dân - một hình phạt bổ sung rất nghiêm khắc đối với người được hưởng án treo là không cần thiết.
Điều 44. Tước một số quyền công dân
1. Công dân Việt Nam bị kết án phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm khác trong những trường hợp do Bộ luật này quy định, thì bị tước một hoặc một số quyền công dân sau đây:
a) Quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực Nhà nước;
b) Quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.
2. Thời hạn tước một số quyền công dân là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338