Language:
Xác lập quyền sở hữu trong trường hợp chế biến (Điều 227)
07/06/2023
icon-zalo

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Luật sư Hà Thị Khuyên

Quyền sở hữu là loại quyền mà một chủ thể chỉ có được khi phát sinh một hoặc một số sự kiện pháp lý nhất định. Những sự kiện pháp lý này được gọi là những căn cứ xác lập quyền sở hữu. Nói một cách khác, căn cứ xác lập quyền sở hữu là những tình huống trong đời sống thực tế mà theo pháp luật quy định sẽ dẫn đến phát sinh quyền sở hữu của những chủ thể cụ thể đối với một tài sản nhất định.

Nếu tài sản được đem chế biến tạo thành vật mới thì chủ sở hữu của tài sản được đem chế biến là chủ sở hữu mới theo Điều 227 Bộ luật Dân sự. Cụ thể tại Điều 227 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc xác lập quyền sở hữu trong trường hợp chế biến như sau:

Thứ nhất, chủ sở hữu của nguyên vật liệu được đem chế biến tạo thành vật mới là chủ sở hữu của vật mới được tạo thành.

Thứ hai, người dùng nguyên vật liệu thuộc sở hữu của người khác để chế biến mà ngay tình thì trở thành chủ sở hữu của tài sản mới nhưng phải thanh toán giá trị nguyên vật liệu, bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu nguyên vật liệu đó.

Thứ ba, trường hợp người chế biến không ngay tình thì chủ sở hữu nguyên vật liệu có quyền yêu cầu giao lại vật mới; nếu có nhiều chủ sở hữu nguyên vật liệu thì những người này là đồng chủ sở hữu theo phần đối với vật mới được tạo thành, tương ứng với giá trị nguyên vật liệu của mỗi người. Chủ sở hữu nguyên vật liệu bị chế biến không ngay tình có quyền yêu cầu người chế biến bồi thường thiệt hại.

Theo quy định của pháp luật thì chủ sở hữu của nguyên vật liệu khi được đem chế biến tạo thành vật mới là chủ sở hữu của vật mới được tạo thành, ví dụ: Công ty V mang gỗ cho công ty N gia công đóng thành tủ thì công ty V có quyền đối với cái tủ này.

Chế biến vật là trường hợp tạo ra đồ vật mới từ công sức lao động và nguyên vật liệu. Trên thực tế, cần phân biệt các trường hợp chế biến vật. Nhờ có công sức lao động của con người đồ vật mới được tạo ra từ nguyên vật liệu. Trong đồ vật mới này có sự kết hợp giữa công sức lao động và nguyên vật liệu. Công sức lao động và nguyên vật liệu là hai thành phần khác nhau tạo nên đồ vật chế biến. Vào thời điểm được chế biến đây là đồ vật chưa từng có chủ sở hữu. Vì thế, đây cũng là một trong những căn cứ nguyên sinh dẫn đến việc xác lập quyền sở hữu.

Nếu chủ sở hữu nguyên vật liệu là người dùng công sức của mình chế biến nguyên vật liệu đó thành đồ vật mới thì đồ vật chế biến thuộc về chủ sở hữu của nguyên vật liệu. Cách giải quyết tương tự cũng được áp dụng trong trường hợp chủ sở hữu thuê người khác chế biến nguyên vật liệu: chủ sở hữu trả công chế biến cho người trực tiếp chế biến và trở thành chủ sở hữu của vật chế biến.

Nếu vật chế biến được tạo thành từ công sức chế biến và nguyên vật liệu của các chủ thể khác nhau thì căn cứ xác định quyền sở hữu đối với vật chế biến phụ thuộc vào việc người chế biến là người ngay tình hay không ngay tình.

Nếu người chế biến là người ngay tình thì người đó trở thành chủ sở hữu của vật được chế biến nhưng phải thanh toán giá trị nguyên vật liệu, bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu nguyên vật liệu đó.

Nếu người chế biến là người không ngay tình thì chủ sở hữu nguyên vật liệu có quyền yêu cầu giao lại vật mới. Trong trường hợp có nhiều chủ sở hữu nguyên vật liệu thì những người này là đồng chủ sở hữu theo phần đối với vật mới được tạo thành, phần của các đồng sở hữu được xác định tương ứng với giá trị nguyên vật liệu của mỗi người. Ngoài ra, chủ sở hữu nguyên vật liệu bị chế biến không ngay tình có quyền yêu càu người chế biến bồi thường thiệt hại.

Điều 227. Xác lập quyền sở hữu trong trường hợp chế biến

1. Chủ sở hữu của nguyên vật liệu được đem chế biến tạo thành vật mới là chủ sở hữu của vật mới được tạo thành.

2. Người dùng nguyên vật liệu thuộc sở hữu của người khác để chế biến mà ngay tình thì trở thành chủ sở hữu của tài sản mới nhưng phải thanh toán giá trị nguyên vật liệu, bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu nguyên vật liệu đó.

3. Trường hợp người chế biến không ngay tình thì chủ sở hữu nguyên vật liệu có quyền yêu cầu giao lại vật mới; nếu có nhiều chủ sở hữu nguyên vật liệu thì những người này là đồng chủ sở hữu theo phần đối với vật mới được tạo thành, tương ứng với giá trị nguyên vật liệu của mỗi người. Chủ sở hữu nguyên vật liệu bị chế biến không ngay tình có quyền yêu cầu người chế biến bồi thường thiệt hại.

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338