Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là mức độ của các đặc tính của sản phẩm, hàng hóa đáp ứng yêu cầu trong tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007. Còn tại Điều 445 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về bảo đảm chất lượng vật mua bán. Theo đó, bên bán phải bảo đảm giá trị sử dụng hoặc các đặc tính của vật mua bán; nếu sau khi mua mà bên mua phát hiện khuyết tật làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị sử dụng của vật đã mua thì phải báo ngay cho bên bán khi phát hiện ra khuyết tật và có quyền yêu cầu bên bán sửa chữa, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác, giảm giá và bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Bên bán phải bảo đảm vật bán phù hợp với sự mô tả trên bao bì, nhãn hiệu hàng hóa hoặc phù hợp với mẫu mà bên mua đã lựa chọn. Bên bán không chịu trách nhiệm về khuyết tật của vật trong trường hợp như: Khuyết tật mà bên mua đã biết hoặc phải biết khi mua; Vật bán đấu giá, vật bán ở cửa hàng đồ cũ; Bên mua có lỗi gây ra khuyết tật của vật.
Từ quy định trên có thể thấy, bên bán phải đảm bảo giá trị sử dụng hoặc đặc tính của vật mua bán. Nếu sau khi mua mà bên mua phát hiện khuyết tật làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của vật đã mua thì phải thông báo ngay cho bên bán biết khi phát hiện ra khuyết tật. Vì bên bán có nghĩa vụ trong việc bảo đảm chất lượng của vật bán nên, bên bán có nghĩa vụ sửa chữa, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác, giảm giá và bồi thường thiệt hại cho bên mua, tương ứng với nghĩa vụ của bên bán thì bên mua cũng có quyền yêu cầu bên bán thực hiện những nghĩa vụ đó với mình. Quy định này nhằm bảo vệ lợi ích của bên mua, trong trường hợp đã nhận tài sản từ bên bán mới phát hiện ra tài sản không đảm bảo chất lượng. Đồng thời tránh việc tài sản bị hư hỏng do lỗi của bên mua, nhưng bên mua lại chối bỏ trách nhiệm và yêu bên bán chịu trách nhiệm, thì việc yêu cầu bên bán chịu trách nhiệm phải được thực hiện ngay khi bên mua phát hiện ra lỗi của tài sản.
Trường hợp bên mua đã biết hoặc phải biết về khuyết tật của tài sản khi mua, nhưng vẫn đồng ý giao kết hợp đồng thì bên bán không phải chịu trách nhiệm. Quy định về trách nhiệm của bên bán trong trường hợp tài sản mua bán không đảm bảo trách nhiệm nhằm bảo vệ lợi ích của bên mua, trong trường hợp họ hoàn toàn tin tưởng tài sản đảm bảo chất lượng theo thỏa thuận, và không biết về việc tài sản đó bị khuyết tật, Nhưng bằng ý chí của mình họ đã biết hoặc phải biết về khuyết tật của tài sản đó mà vẫn giao kết hợp đồng thì đồng nghĩa với việc họ chấp nhận sai sót đó. Chính vì vậy, bên bán không phải chịu trách nhiệm trong trường hợp này.
Vật bán đấu giá là vật được mua bán một cách công khai, trước khi tiến hành tổ chức bán đấu giá, người tham gia có đầy đủ thông tin về vật đó, và đã được xem trực tiếp tài sản. Nếu sau đó bên mua vẫn mua đấu giá tài sản đó thì được xem là đã chấp nhận những khuyết tật của tài sản. Vật nên, đối với tài mua qua bán đấu giá bên bán không cần chịu trách nhiệm về khuyết tật của tài sản. Còn đối với đồ cũ, bên mua phải dự liệu được trước và biết được những khuyết tật của tài sản vì đây là tài sản đã qua sử dụng, bên bán không đảm bảo chất lượng của tài sản.
Bên mua có lỗi gây ra khuyết tật của vật là hành vi có lỗi của bên mua, do đó bên mua phải tự chịu trách nhiệm về hành vi vi của mình. Nếu bên bán phải chịu trách nhiệm cho rủi ro xảy ra bởi hành vi có lỗi của bên mua thì sẽ ảnh hưởng nặng nề đến lợi ích của bên bán. Như vậy đây là những trường hợp bên mua có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý làm cho vật mua bán bị khuyết tật nên bên mua phải tự chịu trách nhiệm vì hành vi của mình.
Điều 445. Bảo đảm chất lượng vật mua bán
1. Bên bán phải bảo đảm giá trị sử dụng hoặc các đặc tính của vật mua bán; nếu sau khi mua mà bên mua phát hiện khuyết tật làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị sử dụng của vật đã mua thì phải báo ngay cho bên bán khi phát hiện ra khuyết tật và có quyền yêu cầu bên bán sửa chữa, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác, giảm giá và bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Bên bán phải bảo đảm vật bán phù hợp với sự mô tả trên bao bì, nhãn hiệu hàng hóa hoặc phù hợp với mẫu mà bên mua đã lựa chọn.
3. Bên bán không chịu trách nhiệm về khuyết tật của vật trong trường hợp sau đây:
a) Khuyết tật mà bên mua đã biết hoặc phải biết khi mua;
b) Vật bán đấu giá, vật bán ở cửa hàng đồ cũ;
c) Bên mua có lỗi gây ra khuyết tật của vật.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338