Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm. Hợp đồng hợp tác phải được lập thành văn bản. Hợp đồng hợp tác ra đời trên cơ sở thỏa thuận của các bên.
Bản chất của hợp đồng hợp tác là sự liên kết của các thành viên hợp tác cùng thực hiện một công việc. Để thực hiện công việc này, mỗi thành viên có thể thỏa thuận đóng góp một phần tài sản và cùng tạo lập khối tài sản chung theo phần của các thành viên. Tài sản đóng góp có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá hoặc quyền tài sản; giống như các hợp đồng dân sự khác, hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận, thống nhất ý chí của các bên tham gia, các bên thỏa thuận nội dung cơ bản trong hợp đồng, quy định đối tượng, mục đích cũng như quyền và nghĩa vụ của chủ thể. Điểm đặc trưng trong hợp đồng hợp tác là quyền và nghĩa vụ của các bên không đối lập nhau. Các chủ thể tham gia hợp đồng hợp tác thường có quyền, nghĩa vụ như nhau.
Tại Điều 512 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về chấm dứt hợp đồng hợp tác. Theo đó, hợp đồng hợp tác chấm dứt trong trường hợp: theo thỏa thuận của các thành viên hợp tác; hết thời hạn ghi trong hợp đồng hợp tác; mục đích hợp tác đã đạt được; theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trường hợp khác theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan. Khi chấm dứt hợp đồng hợp tác, các khoản nợ phát sinh từ hợp đồng phải được thanh toán; nếu tài sản chung không đủ để trả nợ thì phải lấy tài sản riêng của các thành viên hợp tác để thanh toán theo quy định tại Điều 509 của Bộ luật Dân sự. Trường hợp các khoản nợ đã được thanh toán xong mà tài sản chung vẫn còn thì được chia cho các thành viên hợp tác theo tỷ lệ tương ứng với phần đóng góp của mỗi người, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Hợp đồng hợp tác là một hợp đồng dân sự cho nên chấm dứt hợp đồng hợp tác cũng tuân thủ theo quy định chung về chấm dứt hợp đồng. Từ quy định tại Điều 512 Bộ luật Dân sự năm 2015 có thể thấy, các trường hợp làm chấm dứt hợp đồng hợp tác gồm:
Theo thỏa thuận của các thành viên hợp tác, trong quá trình thực hiện hợp đồng, các thành viên nhận thấy hợp đồng không đem lại lợi ích như mong muốn hoặc vì những lý do khác nhau mà các thành viên không còn muốn tiếp tục thực hiện hợp đồng. Lúc này để bảo toàn tài sản chung, cũng như tránh việc xảy ra thiệt hại các thành viên có thể thỏa thuận về việc chấm dứt hợp đồng hợp tác. Việc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng hợp tác phải có sự thống nhất của tất cả các thành viên. Pháp luật luôn đề cao việc thỏa thuận tự quyết định của chủ thể. Vì họ là người trực tiếp xác lập, thực hiện hợp đồng, có quyền và lợi ích liên quan đến hợp đồng đó. Vì thế họ biết làm thế nào để hạn chế thiệt hại và có lợi nhất cho mình.
Hết thời hạn ghi trong hợp đồng hợp tác, thời hạn thực hiện hợp đồng là nội dung không thể thiếu khi xác lập, thực hiện hợp đồng. Mỗi hợp đồng được xác lập đề xác định thời hạn thực hiện cụ thể, theo đó, hợp đồng chỉ có hiệu lực pháp luật và ràng buộc quyền, nghĩa vụ các bên trong thời hạn đó. Sau khi thời hạn thực hiện hợp đồng kết thúc thì hợp đồng cũng chấm dứt hiệu lực. Các thành viên hợp tác thỏa thuận và ghi nhận thời hạn trong nội dung của hợp đồng.
Mục đích hợp tác đã đạt được, khi xác lập hợp đồng, các bên đều hướng đến một mục đích nhất định. Nếu mục đích đã đạt được thì hợp đồng không còn cần thiết đối với các thành viên nữa. Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng lúc này không có ý nghĩa gì, thậm chí có thể gây thiệt hại cho các chủ thể; khi đã đạt được mục đích thì hợp đồng hợp tác chấm dứt.
Theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, theo nguyên tắc chung khi các chủ thể tham gia vào các giao dịch dân sự là không được xâm phạm đến lợi ích của chủ thể khác, lợi ích của Nhà nước, xã hội; nếu nhóm hợp tác thực hiện không đúng mục đích xác lập hợp đồng mà xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của cộng đồng thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ quyết định giải thể nhóm hợp tác đó. Khi nhóm hợp tác bị giải thể, các thành viên không thể tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình được nữa, tư cách thành viên hợp tác cũng chấm dứt.
Trường hợp khác theo quy định của pháp luật, hợp đồng hợp tác được xác lập nhằm mục đích thực hiện một công việc hoặc thực hiện việc sản xuất, kinh doanh, cho nên hợp đồng hợp tác có thể chịu sự điều chỉnh của cả nhưng luật khác như Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư… do đó, hợp đồng có thể chấm dứt theo quy định của luật riêng nếu có.
Chấm dứt hợp đồng hợp tác nếu làm phát sinh các khoản nợ từ hợp đồng thì nhóm hợp tác có trách nhiệm thanh toán toàn bộ các khoản nợ đó khi chấm dứt hợp đồng hợp tác. Việc chấm dứt hợp đồng không được làm ảnh hưởng đến lợi ích của chủ thể khác. Các khoản nợ được thanh toán bằng tài sản chung của các thành viên. Nếu tài sản chung không đủ thanh toán thì các thành viên phải lấy tài sản riêng của mình để thanh toán. Việc bù thêm tài sản riêng vào phần nợ còn thiếu của mỗi thành viên được xác định theo phần vốn góp của các thành viên. Khi hợp đồng hợp tác chấm dứt, các nghĩa vụ tài sản phát sinh từ hợp đồng phải được thanh toán từ khối tài sản chung của các thành viên hợp tác. Trường hợp tài sản chung không đủ để thực hiện việc thanh toán thì các thành viên hợp tác phải sử dụng tài sản riêng và tuân theo quy định tại Điều 509 Bộ luật Dân sự năm 2015. Trường hợp sau khi thanh toán xong các nghĩa vụ tài sản mà tài sản chung vẫn còn thì phần tài sản này sẽ được chia cho các thành viên hợp tác tương ứng với tỉ lệ đóng góp của mỗi thành viên trừ trường hợp các chủ thể này có thỏa thuận khác.
Điều 512. Chấm dứt hợp đồng hợp tác
1. Hợp đồng hợp tác chấm dứt trong trường hợp sau đây:
a) Theo thỏa thuận của các thành viên hợp tác;
b) Hết thời hạn ghi trong hợp đồng hợp tác;
c) Mục đích hợp tác đã đạt được;
d) Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
đ) Trường hợp khác theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan.
2. Khi chấm dứt hợp đồng hợp tác, các khoản nợ phát sinh từ hợp đồng phải được thanh toán; nếu tài sản chung không đủ để trả nợ thì phải lấy tài sản riêng của các thành viên hợp tác để thanh toán theo quy định tại Điều 509 của Bộ luật này.
Trường hợp các khoản nợ đã được thanh toán xong mà tài sản chung vẫn còn thì được chia cho các thành viên hợp tác theo tỷ lệ tương ứng với phần đóng góp của mỗi người, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338