Hợp đồng gia công là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên nhận gia công thực hiện công việc để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công, bên đặt gia công nhận sản phẩm và trả tiền công.
Hiện nay hợp đồng gia công có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ sản xuất hàng hóa đến dịch vụ. Điều quan trọng là các bên tham gia phải có sự thống nhất về các điều khoản và điều kiện của hợp đồng để đảm bảo tính minh bạch và tránh tranh chấp. Các yếu tố quan trọng trong hợp đồng gia công bao gồm quyền và nghĩa vụ của các bên, thời gian và phạm vi thực hiện công việc, giá trị và phương thức thanh toán, bảo mật thông tin và quản lý rủi ro. Khi tham gia vào một hợp đồng gia công, các bên cần xem xét kỹ lưỡng các điều khoản và điều kiện, đảm bảo rằng các quy định pháp luật liên quan được tuân thủ đúng mực. Việc lựa chọn đối tác gia công đáng tin cậy và có kinh nghiệm cũng là một yếu tố quan trọng để đảm bảo chất lượng và hiệu suất của quá trình gia công.
Tại Điều 550 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc chậm giao, chậm nhận sản phẩm gia công. Theo đó, trường hợp bên nhận gia công chậm giao sản phẩm thì bên đặt gia công có thể gia hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên nhận gia công vẫn chưa hoàn thành công việc thì bên đặt gia công có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trường hợp bên đặt gia công chậm nhận sản phẩm thì bên nhận gia công có thể gửi sản phẩm đó tại nơi nhận gửi giữ và phải báo ngay cho bên đặt gia công. Nghĩa vụ giao sản phẩm hoàn thành khi đáp ứng được các điều kiện đã thỏa thuận và bên đặt gia công đã được thông báo. Bên đặt gia công phải chịu mọi chi phí phát sinh từ việc gửi giữ. Cụ thể:
Trường hợp bên nhận gia công chậm giao tài sản, có nghĩa khi đến thời hạn giao tài sản nhưng bên gia công vẫn chưa chuyển giao tài sản như thỏa thuận thì bên đặt gia công có thể gia hạn thêm, tạo điều kiện cho bên gia công hoàn thành công việc, được thực hiện nguyên tắc tại khoản 3 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015 cụ thể "cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực". Nhưng nếu sau khi thời gian gia hạn đã hết mà bên gia công vẫn chưa bàn giao sản phẩm thì bên đặt gia công có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. Việc chấm dứt thực hiện hợp đồng là biện pháp để hạn chế thiệt hại lớn hơn có thể xảy ra, việc bên gia công không giao tài sản làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của bên đặt gia công; khi hợp đồng chấm dứt, phần hợp đồng chưa thực hiện sẽ không còn hiệu lực pháp luật. Tức bên gia công không cần giao sản phẩm gia công cho bên đặt gia công và bên đặt gia công cũng không cần thanh toán tiền công cho bên gia công nữa; vì việc chậm giao sản phẩm là lỗi của bên gia công, vì thế họ phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình.
Trường hợp bên đặt gia công chậm tiếp nhận sản phẩm, trong hợp đồng gia công khi đến hạn chuyển giao sản phẩm bên gia công có thể đã thực hiện nghĩa vụ chuyển giao sản phẩm nhưng bên đặt gia công lại không nhận sản phẩm tại theo đúng thỏa thuận. Khi bên gia công giao tài sản đến địa điểm theo đúng thời thời hạn thỏa thuận, nhưng không có bên đặt gia công không có mặt để nhận thì bên gia công có thể gửi số tài sản đó tại nơi nhận gửi giữ và phải báo ngay cho bên đặt gia công biết. Trong trường hợp này, bên đặt gia công là bên có quyền nhận tài sản từ bên gia công, vì họ đã chậm trễ trong việc tiếp nhận tài sản từ bên chuyển giao. Nếu bên đặt gia công chậm tiếp nhận sản phẩm thì bên gia công có quyền: Gửi tài sản tại nơi gửi giữ khi đã giao tài sản đúng địa điểm và thời hạn đã thỏa thuận nhưng bên đặt gia công chậm tiếp nhận; Khi gửi giữ tài sản phải thông báo ngay cho bên đặt gia công biết về việc gửi giữ tài sản; chi phí gửi giữ tài sản do bên đặt gia công thanh toán. Có như vậy, quy định về chậm nhận sản phẩm mới đảm bảo được tính răn đe cho sự vi phạm của bên đặt gia công.
Điều 550. Chậm giao, chậm nhận sản phẩm gia công
1. Trường hợp bên nhận gia công chậm giao sản phẩm thì bên đặt gia công có thể gia hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên nhận gia công vẫn chưa hoàn thành công việc thì bên đặt gia công có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
2. Trường hợp bên đặt gia công chậm nhận sản phẩm thì bên nhận gia công có thể gửi sản phẩm đó tại nơi nhận gửi giữ và phải báo ngay cho bên đặt gia công. Nghĩa vụ giao sản phẩm hoàn thành khi đáp ứng được các điều kiện đã thỏa thuận và bên đặt gia công đã được thông báo. Bên đặt gia công phải chịu mọi chi phí phát sinh từ việc gửi giữ.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338