Bộ luật Dân sự năm 2015 dành một chương (Chương V) quy định riêng về sự tham gia của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương trong quan hệ dân sự. Nội dung chương này là những những quy định hoàn toàn mới liên quan đến trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự của loại chủ thể đặc biệt trong quan hệ pháp luật dân sự, đó là Nhà nước và cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương. Theo đó, khi tham gia quan hệ dân sự, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương bình đẳng với các chủ thể khác và chịu trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự bằng chính tài sản mà mình đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Tại Điều 98 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về đại diện tham gia quan hệ dân sự. Theo đó, việc đại diện cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương, ở địa phương tham gia quan hệ dân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của cơ quan nhà nước. Việc đại diện thông qua cá nhân, pháp nhân khác chỉ được thực hiện trong các trường hợp và theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
Nhà nước, cơ quan nhà nước ở trung ương, ở địa phương là một tổ chức gồm nhiều người khác nhau, do đó, khi những tổ chức này tham gia vào quan hệ dân sự thì cần có chủ thể làm đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch nhân danh Nhà nước, cơ quan nhà nước. Việc đại diện phái phù hợp với quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của cơ quan nhà nước. Việc đại diện thông qua cá nhân, pháp nhân khác chỉ được thực hiện trong các trường hợp và theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
Việc đại diện có thể được phân chia thành đại diện trong nước và việc đại diện ở nước ngoài. Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài năm 2009 quy định, cơ quan đại diện thực hiện chức năng đại diện chính thức của Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế tiếp nhận và thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại phù hợp với quy định tại Điều 12 của Luật này. Cơ quan đại diện bao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự, cơ quan đại diện tại tổ chức quốc tế. Theo quy định tại Điều 4 Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài năm 2009:
(1) Cơ quan đại diện ngoại giao là Đại sứ quán;
(2) Cơ quan đại diện lãnh sự là Tổng Lãnh sự quán và Lãnh sự quán;
(3) Cơ quan đại diện tại tổ chức quốc tế là Phái đoàn thường trực, Phái đoàn, Phái đoàn quan sát viên thường trực và cơ quan có tên gọi khác thực hiện chức năng đại diện của Nhà nước Việt Nam tại tổ chức quốc tế liên chính phủ. Thành viên cơ quan đại diện bao gồm người đứng đầu cơ quan đại diện, viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự và nhân viên cơ quan đại diện.
Điều 98. Đại diện tham gia quan hệ dân sự
Việc đại diện cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương, ở địa phương tham gia quan hệ dân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của cơ quan nhà nước. Việc đại diện thông qua cá nhân, pháp nhân khác chỉ được thực hiện trong các trường hợp và theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338