Language:
Hiệu lực của quyền đối với bất động sản liền kề (Điều 247)
28/06/2023
icon-zalo

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Luật sư Hà Thị Khuyên

Tại Điều 247 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hiệu lực của quyền đối với bất động sản liền kề. Theo đó, quyền đối với bất động sản liền kề có hiệu lực đối với mọi cá nhân, pháp nhân và được chuyển giao khi bất động sản được chuyển giao, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

Quyền đối với bất động sản liền kề xuất phát quan trọng là từ đặc tính tự nhiên của hai thửa đất, không phụ thuộc chủ sở hữu của hai thửa đất là ai. Vì vậy, mọi cá nhân, pháp nhân với tư cách là người sử dụng đất đều có thể là những người có quyền yêu cầu đối với chủ sở hữu bất động sản liền kề hoặc được yêu cầu về việc phải tạo điều kiện cho chủ sở hữu bất động sản liền kề điều kiện thuận lợi để họ thực hiện một hoạt động nào đó trong việc sử dụng đất.

Ngoài ra, do quyền năng này xuất phát từ đặc điểm của hai thửa đất, mà đất là cố định nên quyền đó cũng không thể được chủ sở hữu đem đi nơi khác mà phải luôn tồn tại ở nơi tồn tại hai thửa đất này. Chính vì vậy, quyền đối với bất động sản liền kề được chuyển giao khi bất động sản được chuyển giao. Đây là nguyên tắc được ghi nhận tại Điều 247 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Vì nó được chuyển giao nên chủ sở hữu của thửa đất sẽ không cần phải thêm những thỏa thuận, thương lượng với chủ sở hữu bất động sản liền kề mà sẽ mặc nhiên có quyền này nếu như nó đã được xác lập trước đó giữa chủ cũ của thửa đất và chủ sở hữu bất động sản liền kề. Bên cạnh đó, quyền đối với bất động sản liền kề được chuyển giao từ chủ sở hữu cũ sang chủ sở hữu mới là khách quan, chủ sở hữu bất động sản liền kề không thể can thiệp vào, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.

Quyền đối với bất động sản liền kề được xác lập do địa thế tự nhiên, đặc điểm của địa thể tự nhiên dễ thấy nhất đó là nước ở chỗ đất cao sẽ phải chảy qua vùng đất thấp. Có thể thấy trong hình ảnh của một bất động sản nằm trên sườn núi, bị vây bọc bởi 4 bất động sản khác ở các phía trên, dưới, trái, phải và vì bị vây bọc nên bất động sản ở giữa không có đường thoát nước. Lúc này, một quyền đối với bất động sản liền kề trong việc để thoát nước ra sẽ là hợp lý nếu nó được xác lập với chủ sở hữu của bất động sản nằm ở dưới vì thuận theo địa thế tự nhiên của dòng chảy là từ cao xuống thấp.

Quyền đối với bất động sản liền kề được xác lập theo quy định của luật, căn cứ xác lập quyền đối với bất động sản liền kề được xác định theo quy định của luật đặt ra khi bất động sản bị vây bọc và người có bất động sản liền kề phải để ra một lối đi, một đường thoát nước... để chủ của bẩt động sản bên cạnh có thể sử dụng bất động sản của mình một cách bình thường. Nói cách khác là quyền đối với bất động sản liền kề sẽ trực tiếp phát sinh từ quy định pháp luật.

Quyền đối với bất động sản liền kề được xác lập theo thỏa thuận, do nhu cầu cá nhân mà các chủ thể có thể thỏa thuận với nhau về việc xác lập một quyền đối với bất động sản liền kề cho một bên chủ thể. Sự thỏa thuận này phải là tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội.

Quyền đối với bất động sản liền kề được xác lập theo di chúc, di chúc là văn bản thể hiện ý chí đơn phương của người lập di chúc. Khi một người có quyền đối với bất động sản liền kề thì hoàn toàn có thể truyền lại quyền đó cho người thừa kế mảnh đất của mình để thuận tiện cho họ trong việc sử dụng đất sau này, cũng là tránh những tranh chấp có thể xảy ra với chủ sở hữu bất động sản liền kề khi người đó chết. Vì vậy, sự định đoạt chỉ thể hiện ý chí đơn phương của người lập di chúc thể hiện trong nội dung của di chúc là căn cứ để xác lập quyền đối với bất động sản liền kề cho một chủ thể khác.

Điều 247. Hiệu lực của quyền đối với bất động sản liền kề

Quyền đối với bất động sản liền kề có hiệu lực đối với mọi cá nhân, pháp nhân và được chuyển giao khi bất động sản được chuyển giao, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338