Tại Điều 522 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định hợp đồng vận chuyển hành khách. Theo đó, hợp đồng vận chuyển hành khách là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển chuyên chở hành khách, hành lý đến địa điểm đã định theo thỏa thuận, hành khách phải thanh toán cước phí vận chuyển.
Hợp đồng vận chuyển là hợp đồng song vụ: Cả hai bên trong hợp đồng đều có quyền và nghĩa vụ với nhau. Bên vận chuyển có quyền yêu cầu hành khách thanh toán tiền vận chuyển bằng cách trả tiền mặt hoặc mua vé theo quy định, và yêu cầu họ chấp hành đúng, đầy đủ các quy định về vận chuyển hành khách. Nghĩa vụ của bên vận chuyển là di chuyển đúng thời gian và đưa hành khách đến đúng địa điểm. Đối với hành khách thì có nghĩa vụ mua vé hoặc trả tiền vận chuyển, ngồi đúng chỗ theo quy định, trong thời gian di chuyển phải chấp hành đầy các quy định về an toàn giao thông mà bên vận chuyển đề nghị. Đồng thời họ có quyền yêu cầu bên vận chuyển đưa đến đúng địa điểm đã thỏa thuận và yêu cầu bên vận chuyển thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về an toàn giao thông để đảm bảo tính mạng cho họ.
Hợp đồng vận chuyển là hợp đồng có đền bù: Hợp đồng vận chuyển chính là loại hợp đồng kinh doanh có điều kiện. Theo đó, để được cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách phải thanh toán một khoản tiền hoặc mua vé theo quy định của bên vận chuyển. Đó chính là lợi ích mà bên vận chuyển hướng đến. Như vậy, khi thực hiện công việc vận chuyển hành khách đến địa điểm đã thỏa thuận, khoản đền bù mà bên vận chuyển nhận được chính là tiền chi phí vận chuyển mà hành khách trả hoặc vé mà hành khách đã mua.
Hợp đồng vận chuyển hành khách là hợp đồng ưng thuận: Tính chất ưng thuận của hợp đồng thể hiện khi các bên thỏa thuận xong nội dung của hợp đồng thì hợp đồng có hiệu lực pháp luật, làm phát quyền và nghĩa vụ của các bên. Hợp đồng có hiệu lực ngay từ khi các bên thỏa thuận xong nội dung hợp đồng chứ không phải khi bên vận chuyển tiến hành vận chuyển hành khách. Việc thực hiện hợp đồng phụ thuộc vào ngày giờ mà các bên thỏa thuận.
Bên vận chuyển có thể là cá nhân, tổ chức được phép kinh doanh dịch vụ vận chuyển. Một số phương tiện đặc biệt như máy bay, tàu hỏa… do doanh nghiệp Nhà nước đảm nhiệm. Việc vận chuyển của chủ thể kinh doanh dịch vụ vận chuyển phải thực hiện theo đúng nội dung đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Khách hàng là cá nhân có nhu cầu được chuyên chở từ địa điểm này đến địa điểm khác theo nhu cầu của mình. Bên vận chuyển và hành khách phải thống nhất các nội dung liên quan đến việc vận chuyển và tiến hành giao kết hợp đồng. Thời điểm hợp đồng vận chuyển được giao kết cũng chính là thời điểm hợp đồng được xác lập, là cơ sở hình thành quan hệ pháp luật giữa các bên trong hợp đồng.
Các bên thỏa thuận về địa điểm mà bên vận chuyển phải chuyên chở khách hàng đến, đây cũng chính là mục tiêu thỏa thuận của các bên. Theo đó bên vận chuyển phải chuyên chở hành khách đến địa điểm theo yêu cầu của hành khách. Tuy nhiên khi di chuyển bằng các phương tiện tàu hỏa, máy bay, xe buýt… khách hàng sẽ được chuyển chở đến địa điểm nhất định theo lộ trình của bên vận chuyển, mà không có quyền thỏa thuận lựa chọn địa điểm theo yêu cầu. Bởi những phương tiện này có tính chất đặc biệt, lộ trình di chuyển được xác định theo một trình tự nhất định mà khách hàng chỉ có thể lựa chọn di chuyển đến một trong các địa điểm đó. Và sau khi nhận được dịch vụ vận chuyển của bên vận chuyển, khách hàng phải thanh toán cho bên vận chuyển một khoản phí. Số tiền này có thể được xác định theo thỏa thuận của các bên hoặc do bên vận chuyển ấn định từ trước. Trong trường hợp bên vận chuyển đã ấn định chi phí vận chuyển từ trước, hành khác có thể đồng ý với mức giá đó hoặc không, đó cũng được xem như là sự thống nhất ý chí của hai bên.
Tùy thuộc vào nhu cầu của mình mà chủ thể có thể lựa chọn các phương tiện vận chuyển khác nhau. Phương tiện vận chuyển phải phù hợp với hình thức vận chuyển. Tùy vào phương tiện vận chuyển mà pháp luật có quy định về điều kiện cụ thể đặt ra cho bên vận chuyển. Bên cạnh đó phương tiện vận chuyển còn chi phối các yếu tố khác như chi phí vận chuyển, địa điểm vận chuyển.
Trong trường hợp tính mạng, sức khoẻ của hành khách bị thiệt hại, bên vận chuyển phải bồi thường theo quy định của Bộ luật Dân sự. Nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của hành khách thì bên vận chuyển không phải bồi thường, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu hành khách vi phạm điều kiện vận chuyển đã thoả thuận mà gây thiệt hại cho bên vận chuyển hoặc người thứ ba thì hành khách phải bồi thường những thiệt hại đó.
Điều 522. Hợp đồng vận chuyển hành khách
Hợp đồng vận chuyển hành khách là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển chuyên chở hành khách, hành lý đến địa điểm đã định theo thỏa thuận, hành khách phải thanh toán cước phí vận chuyển.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338