Language:
Khái niệm chiếm hữu (Điều 179)
23/04/2023
icon-zalo

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Luật sư Hà Thị Khuyên

 

Quyền sở hữu gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt, theo quy định tại Điều 186 Bộ luật Dân sự năm2015, quyền chiếm hữu là quyền của chủ sở hữu nắm giữ, chi phối tài sản của mình theo đúng quy định của pháp luật. Đối với quyền chiếm hữu, sự tiếp diễn của các sự kiện pháp lý là sự chiếm hữu tài sản trên thực tế làm phát sinh quyền, đó là điều kiện cho sự tồn tại của quyền yêu cầu bảo vệ. Vậy nên đối với quyền chiếm hữu, sự kiện xác lập quyền cũng là điều kiện thường xuyên để duy trì sự tồn tại của quyền này. 

 

Tại Điều 179 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định chiếm hữu là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản; chiếm hữu bao gồm chiếm hữu của chủ sở hữu và chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu. Việc chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu không thể là căn cứ xác lập quyền sở hữu, trừ trường hợp quy định tại các điều 228, 229, 230, 231, 232, 233 và 236 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

 

Các hình thức chiếm hữu gồm (1) chiếm hữu ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu; (2) Chiếm hữu không ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu biết hoặc phải biết rằng mình không có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu; (3) Chiếm hữu liên tục là việc chiếm hữu được thực hiện trong một khoảng thời gian mà không có tranh chấp về quyền đối với tài sản đó hoặc có tranh chấp nhưng chưa được giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác, kể cả khi tài sản được giao cho người khác chiếm hữu; (4) Chiếm hữu công khai là việc chiếm hữu được thực hiện một cách minh bạch, không giấu giếm; tài sản đang chiếm hữu được sử dụng theo tính năng, công dụng và được người chiếm hữu bảo quản, giữ gìn như tài sản của chính mình.

 

Chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản bao gồm chủ sở hữu tài sản, người được chủ sở hữu tài sản, người được chủ sở hữu ủy quyền, người có quyền chiếm hữu tài sản trên cơ sở một giao dịch dân sự hợp pháp, người được nhà nước giao quyền chiếm hữu thông qua một quyết định có hiệu lực hoặc qua một bản án có hiệu lực pháp luật, người chiếm hữu không theo ý chí của chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu ủy quyền. Các chủ thể nắm giữ và chi phối tài sản tức là trực tiếp quản lý, tác động vào tài sản theo ý chí của mình nhằm duy trì tình trạng tài sản theo ý chí của mình nhằm duy trì tình trạng tài sản theo ý chí của mình. Chủ thể có thể bằng hành vi của mình thực hiện việc chiếm hữu goi là chiếm hữu trực tiếp. Chủ thể thực hiện việc chiếm hữu thông qua hành vi của người khác gọi là chiếm hữu gián tiếp. Trường hợp này người chiếm hữu giao tài sản của mình cho người khác kiểm soát, vì thế người kiểm soát tài sản phải thực hiện các hành vi mà người chiếm hữu cho phép.

 

Chiếm hữu của các chủ thể không phải là chủ sở hữu được quy định từ điều 228 đến điều 233 và điều 236 là căn cứ để xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu. Như vậy, các trường hợp chiếm hữu khác của các chủ thể không phải là chủ sở hữu mà không thuộc Điều luật này sẽ không được pháp luật bảo hộ.

 

Điều 179. Khái niệm chiếm hữu

1. Chiếm hữu là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản.

2. Chiếm hữu bao gồm chiếm hữu của chủ sở hữu và chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu.

Việc chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu không thể là căn cứ xác lập quyền sở hữu, trừ trường hợp quy định tại các điều 228, 229, 230, 231, 232, 233 và 236 của Bộ luật này.

 

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338