Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Tại Điều 367 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc không chịu trách nhiệm sau khi chuyển giao quyền yêu cầu. Theo đó, người chuyển giao quyền yêu cầu không phải chịu trách nhiệm về khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ sau khi chuyển giao quyền yêu cầu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Chuyển giao quyền yêu cầu là sự thỏa thuận của các bên mà theo đó bên có quyền yêu cầu sẽ chuyển giao quyền yêu cầu cho người thứ ba. Thực chất chuyển giao quyền yêu cầu là một hợp đồng, bởi sự chuyển giao dựa trên thỏa thuận và thống nhất ý chí của bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao. Khác với thực hiện quyền yêu cầu thông qua người thứ ba (ủy quyền), khi quyền yêu cầu được chuyển giao, quan hệ giữa bên chuyển giao và bên có nghĩa vụ sẽ chấm dứt làm phát sinh quan hệ mới là quan hệ giữa bên nhận chuyển giao và bên có nghĩa vụ. Để đảm bảo quyền và lợi ích cho các bên đặc biệt là bên yếu thế trong quan hệ dân sự, trong một số trường hợp điều luật quy định về việc không được phép chuyển giao quyền yêu cầu. Đó là quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín. Đây là quyền tài sản gắn liền với nhân thân của người có quyền.
Sau khi chuyển giao quyền yêu cầu thì bên chuyển đã hoàn toàn chấm dứt quyền của mình với bên có nghĩa vụ. Người có quyền trở thành người có quyền mới và có toàn quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ với mình. Chính vì vậy, bên chuyển giao không phải chịu trách nhiệm gì về khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ. Hay nói cách khác, sau khi chuyển giao quyền yêu cầu, bên chuyển giao không còn quan hệ gì với bên nhận chuyển giao và bên có nghĩa vụ, cũng không có quyền và nghĩa vụ gì trong mối quan hệ với người thế quyền, vì vậy, không phải chịu trách nhiệm về việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ với bên thế quyền.
Dựa trên nguyên tắc tự do cam kết, thỏa thuận và tự định đoạt của các chủ thể khi tham gia vào các quan hệ dân sự. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên chuyển giao phải chịu toàn bộ trách nhiệm, nếu bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ với bên thế quyền. Trong trường hợp này, bên chuyển giao có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ khi họ không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ với bên nhận chuyển giao. Phạm vi thực hiện nghĩa vụ phụ thuộc vào thỏa thuận của các bên.
Điều 367. Không chịu trách nhiệm sau khi chuyển giao quyền yêu cầu
Người chuyển giao quyền yêu cầu không phải chịu trách nhiệm về khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ sau khi chuyển giao quyền yêu cầu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338