Language:
Nghĩa vụ bảo vệ môi trường (Điều 172)
15/04/2023
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

 

Hiến pháp năm 2013 tại Điều 63 quy định tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại. Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, nhiều văn bản pháp luật khác cũng quy định cụ thể về trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường.

 

Hành vi gây ô nhiễm môi trường tùy tính chất, mức độ và hậu quả xảy ra mà cá nhân, pháp nhân phải thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường thuộc lĩnh vực bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Do vậy, cơ sở pháp lý giải quyết các yêu cầu về bồi thường thiệt hại do vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trước hết được thực hiện theo các quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể: Theo quy định tại Điều 172 Bộ luật Dân sự năm 2015, thì khi thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản thì chủ thể phải tuân theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; nếu làm ô nhiễm môi trường thì phải chấm dứt hành vi gây ô nhiễm, thực hiện các biện pháp để khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại.

 

Ngoài ra, tại Điều 602 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi. Như vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại môi trường đối với các cá nhân, tổ chức gây ô nhiễm, suy thoái môi trường đã được Luật Dân sự quy định. Theo các quy định này, chủ thể có hành vi làm ô nhiễm môi trường đồng thời gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường thiệt hại, kể cả trường hợp người gây ô nhiễm môi trường không có lỗi.

 

Nguyên tắc về trách nhiệm bồi thường thiệ hại về môi trường theo quy định tại khoản 6, Điều 4 Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, cụ thể: Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho hoạt động bảo vệ môi trường; gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải chi trả, bồi thường thiệt hại, khắc phục, xử lý và chịu trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

 

Tổ chức, cá nhân có quyền chứng minh không gây thiệt hại về môi trường và khi kết quả chứng minh là đúng thì không phải bồi thường thiệt hại về môi trường, không phải chịu các chi phí liên quan đến xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại; Đối với trường hợp có từ 2 tổ chức, cá nhân trở lên gây thiệt hại về môi trường, trách nhiệm bồi thường thiệt hại được xác định dựa trên xác định tương ứng với tỷ lệ gây thiệt hại trong tổng thiệt hại về môi trường; Trường hợp các bên liên quan hoặc cơ quan quản lý nhà nước về môi trường không xác định được tỷ lệ chịu trách nhiệm thì cơ quan trọng tài hoặc Tòa án quyết định theo thẩm quyền.

 

Điều 172. Nghĩa vụ bảo vệ môi trường

Khi thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản thì chủ thể phải tuân theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; nếu làm ô nhiễm môi trường thì phải chấm dứt hành vi gây ô nhiễm, thực hiện các biện pháp để khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại.

 

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338