Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Tại Điều 366 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định nghĩa vụ cung cấp thông tin và chuyển giao giấy tờ. Theo đó, người chuyển giao quyền yêu cầu phải cung cấp thông tin cần thiết, chuyển giao giấy tờ có liên quan cho người thế quyền; Người chuyển giao quyền yêu cầu vi phạm nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại.
Pháp luật đã trao cho bên có quyền quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ. Khi đến hạn mà bên có nghĩa vụ vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên có quyền yêu cầu họ phải thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ. Quyền yêu cầu là sự đôn đốc, nhắc nhở thực hiện nghĩa vụ, tránh việc chây ỳ, trốn tránh nghĩa vụ.
Hiện nay pháp luật cho phép quyền yêu cầu có thể tự do chuyển giao cho một bên thứ ba khác. Có thể hiểu, chuyển giao quyền yêu cầu là sự thỏa thuận của các bên mà theo đó bên có quyền yêu cầu sẽ chuyển giao quyền yêu cầu cho người thứ ba. Thực chất chuyển giao quyền yêu cầu là một hợp đồng, bởi sự chuyển giao dựa trên thỏa thuận và thống nhất ý chí của bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao. Khác với thực hiện quyền yêu cầu thông qua người thứ ba (ủy quyền), khi quyền yêu cầu được chuyển giao, quan hệ giữa bên chuyển giao và bên có nghĩa vụ sẽ chấm dứt làm phát sinh quan hệ mới là quan hệ giữa bên nhận chuyển giao và bên có nghĩa vụ.
Đối với chuyển giao quyền cầu, việc cung cấp thông tin là cơ sở để bên nhận chuyển giao có đồng ý nhận chuyển giao quyền yêu cầu đó không. Thông qua thông tin mà bên có quyền cung cấp, bên nhận chuyển giao có thể đánh giá mức độ thực hiện nghĩa vụ, giá trị của nghĩa vụ đó… Chính vì vậy, điều kiện bắt buộc khi chuyển giao quyền yêu cầu là phải cung cấp đầy đủ thông tin. Mặc dù pháp luật không quy định rõ thông tin cần thiết mà bên chuyển giao phải cung cấp bao gồm những gì, nhưng có thể nhận thấy đó là những thông tin ảnh hưởng trực tiếp tới việc thực hiện nghĩa vụ cũng như đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ như: đối tượng, giá cả, địa điểm, thời hạn thực hiện nghĩa vụ, biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Giấy tờ là cơ sở để chứng minh bên nhận chuyển giao hiện tại là bên có quyền đối với việc tiếp nhận, yêu cầu thực hiện nghĩa vụ. Chính vì vậy, bên chuyển giao phải chuyển giao cho bên nhận chuyển giao cả giấy tờ có liên quan. Giấy tờ đó có thể là hợp đồng chính, hợp đồng phụ, chứng minh thư, hộ khẩu, giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu đối với tài sản… Khi đã chuyển giao quyền yêu cầu, quyền của bên chuyển giao đã chấm dứt, vì vậy, mọi giấy tờ giao dịch giữa họ và bên có nghĩa vụ đều phải được chuyển giao cho bên nhận quyền chuyển giao.
Như vậy, cung cấp thông tin, chuyển giao giấy tờ là một nghĩa vụ dân sự cho nên, nếu bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ thì bị xem là đã vi phạm nghĩa vụ và chịu trách nhiệm dân sự. Thông thường, trách nhiệm dân sự mà bên vi phạm phải gánh chịu là tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hoặc bồi thường thiệt hại. Mặc dù, điều luật không có quy định, nhưng có thể hiểu bên nhận chuyển giao vẫn có quyền yêu cầu bên chuyển giao cung cấp thông tin, chuyển giao giấy tờ. Trong trường hợp bên có quyền không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ nói trên, mà gây thiệt hại cho bên nhận chuyển giao thì phải chịu trách nhiệm bồi thường, tùy thuộc vào mức độ thiệt hại. (Nguyễn Văn Cừ - Trần Thị Huệ, 2017, Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Công an nhân dân).
Điều 366. Nghĩa vụ cung cấp thông tin và chuyển giao giấy tờ
1. Người chuyển giao quyền yêu cầu phải cung cấp thông tin cần thiết, chuyển giao giấy tờ có liên quan cho người thế quyền.
2. Người chuyển giao quyền yêu cầu vi phạm nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338