Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật Dân sự để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Giám hộ là chế định nhằm khắc phục tình trạng của người có năng lực pháp luật dân sự nhưng không thể bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện được quyền, nghĩa vụ của mình hay nói cách khác thì họ không có khả năng hoặc có sự hạn chế trong thực hiện năng lực hành vi dân sự của mình. Theo quy định pháp luật, cụ thể là Điều 52, 53, 54 Bộ luật Dân sự 2015 có hai hình thức giám hộ là:
- Giám hộ đương nhiên là hình thức giám hộ mà người giám hộ đương nhiên chỉ có thể là cá nhân bao gồm cha, mẹ, con đã thành niên, anh, chị em, ông, bà và những người thân thích khác.
- Giám hộ được cử là hình thức cử người giám hộ theo trình tự do pháp luật quy định trong trường hợp không có người giám hộ đương nhiên. Cá nhân, cơ quan, tổ chức đều có thể trở thành người giám hộ được cử.
Trên cơ sở quy định khái quát tại Điều 46 Bộ luật dân sự, người được giám hộ được quy định cụ thể tại Điều 47 Bộ luật dân sự. Theo đó, người được giám hộ bao gồm các cá nhân:
- Người chưa thành niên thuộc các trường hợp sau:
(1) Không còn cha mẹ;
(2) Không xác định được cha, mẹ;
(3) Có cha mẹ nhưng cha mẹ trong tình trạng: đều mất năng lực hành vi dân sự; đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ.
Từ quy định này có thể suy ra, những cá nhân chưa thành niên có cha mẹ và cha mẹ có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có điều kiện chăm sóc, giáo dục con thì không thuộc diện những người được giám hộ.
- Người mất năng lực hành vi dân sự;
- Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Điều 47 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng đưa ra yêu cầu cá nhân được giám hộ chỉ có một người giám hộ duy nhất. Quy định này nhằm hướng tới việc tập trung trách nhiệm của người giám hộ đối với những cá nhân được giám hộ. Bởi vì nếu có nhiều hơn một người giám hộ, mục đích giám hộ có thể không được đảm bảo về sự không rõ ràng trong phân chia trách nhiệm, nghĩa vụ giữa các chủ thể giám hộ.
Ngoại lệ đặt ra đối với trường hợp người giám hộ là cha, mẹ đối với con mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc ông, bà cùng giám hộ cho cháu thì người giám hộ có thể là cả cha và mẹ; cả ông và bà. Trường hợp này là ngoại lệ bởi vì xem xét cả khía cạnh pháp lý và tình cảm, cha mẹ đối với con, ông bà đối với cháu, tuy bao gồm nhiều hơn một người nhưng đều ngang bằng và như nhau.
So sánh với Bộ luật Dân sự năm 2005, thì Điều 47 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bổ sung người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi vào những người được giám hộ. Điều này hoàn toàn phù hợp với các quy định mới của Bộ luật Dân sự năm 2015 về cá nhân này.
Điều 47. Người được giám hộ
1. Người được giám hộ bao gồm:
a) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ;
b) Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ;
c) Người mất năng lực hành vi dân sự;
d) Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
2. Một người chỉ có thể được một người giám hộ, trừ trường hợp cha, mẹ cùng giám hộ cho con hoặc ông, bà cùng giám hộ cho cháu.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338