Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiệm của người phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu xâm phạm các quan hệ xã hội phát sinh trong quân đội giữa các quân nhân với nhau và giữa các quân nhân với những người không phải quân nhân khi họ thực hiện nhiệm vụ quân sự, huấn luyện quân sự, phối thuộc chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích về quy định những người phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân quy định tại Điều 392 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chủ thể của tội phạm:
Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiệm của người phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu thuộc nhóm tội có chủ thể đặc biệt. Ngoài các dấu hiệu chung (có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi nhất định), chủ thể của các tội phạm này phải là những người được quy định tại Điều 392 Bộ luật hình sự. Những người khác thuộc lực lượng vũ trang (như: cán bộ, chiến sỹ lực lượng An ninh nhân dân, Công an nhân dân) không phải chịu trách nhiệm về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân (trừ trường hợp họ là đồng phạm).
Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều nhưng không có điều nào thuộc Chương XXV Bộ luật hình sự. Như vậy chủ thể của Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiệm của người phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên.
Khách thể của tội phạm:
Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiệm của người phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu xâm phạm các quan hệ xã hội phát sinh trong quân đội giữa các quân nhân với nhau và giữa các quân nhân với những người không phải quân nhân khi họ thực hiện nhiệm vụ quân sự, huấn luyện quân sự, phối thuộc chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu. Đó là các quan hệ đồng chí, đồng đội và quan hệ cấp trên, cấp dưới. Nội dung của các quan hệ này bao gồm các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của quân nhân được quy định trong rất nhiều các văn bản pháp luật khác nhau do Nhà nước và Quân đội ban hành: Luật Nghĩa vụ quân sự 2015; Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2014; Luật Dân quân tự vệ 2019;... Các tội phạm này gây ra hoặc có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng về người, vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự, ảnh hưởng trực tiếp đến sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội Nhân dân Việt nam.
Việc hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi quân nhân ảnh hưởng trực tiếp đến sức mạnh, khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội và chế độ phục vụ trong Quân đội. Vì vậy, khách thể của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân chính là sức mạnh, khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội và chế độ phục vụ trong quân đội. Đây là một trong các căn cứ chủ yếu để quy định các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân thành một chương độc lập trong Bộ luật hình sự.
Khách thể trực tiếp của các tội phạm này là sức mạnh, khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội cũng như chế độ phục vụ trong quân đội được hợp thành từ nhiều yếu tố khác nhau. Vì vậy, một hành vi phạm tội cùng một lúc không thể xâm phạm đồng thời tất cả các yếu tố đó cũng như các quan hệ xã hội có liên quan trong lĩnh vực thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân mà chỉ xâm hại đến một hoặc một số quan hệ xã hội nhất định. Quan hệ xã hội cụ thể bị hành vi phạm tội trực tiếp xâm hại là khách thể trực tiếp của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân.
Việc phân biệt khách thể loại với khách thể trực tiếp của tội phạm là một trong các căn cứ để quy định các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân trong Chương XXV Bộ luật hình sự, xác định tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, phân biệt các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân với các tội phạm khác cũng như phân biệt giữa các tội trong một nhóm với nhau.
Mặt chủ quan của tội phạm:
Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiệm của người phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu có thể được thực hiện do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý. Động cơ, mục đích phạm tội có thể rất khác nhau: sợ hy sinh, gian khổ, hèn nhát, cầu an; do vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Việc xác định đúng động cơ, mục đích phạm tội có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phân biệt một số tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân với các tội khác (tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội xâm phạm trật tự, an toàn công cộng), trong việc xem xét nhân thân người phạm tội khi quyết định hình phạt.
Mặt khách quan của tội phạm:
Mặt khách quan của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiệm của người phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu được thể hiện bằng hành vi (hành động hoặc không hành động) nguy hiểm cho xã hội xâm phạm kỷ luật, sức mạnh chiến đấu của Quân đội, chế độ phục vụ, công tác trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Một số tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân chỉ có thể được thực hiện bằng hành động như các tội: Tội làm nhục đồng đội; Tội hành hung đồng đội; Tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác quân sự... Có tội lại chỉ có thể được thực hiện bằng không hành động nhưng đại đa số các tội có thể được thực hiện bằng cả hành động và không hành động.
Tùy vào từng tội phạm cụ thể mà hậu quả của các tội khác nhau. Đối với một số tội phạm, hậu quả là dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội phạm do tội phạm có cấu thành vật chất. Song đối với một số tội hậu quả của tội phạm không phải dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm do tội phạm có cấu thành hình thức.
Điều 392. Những người phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân
1. Quân nhân tại ngũ, công nhân, viên chức quốc phòng.
2. Quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện.
3. Dân quân, tự vệ trong thời gian phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu.
4. Công dân được trưng tập vào phục vụ trong quân đội.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338