Language:
Phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác (Điều 13)
24/11/2023
icon-zalo

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Luật sư Hà Thị Khuyên

Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích về quy định "Phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác" tại Điều 13 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Sử dụng rượu, bia hoặc chất kích thích khác là hành vi con người đưa những chất gây tác động đến hệ thần kinh và não bộ của con người, từ đó dẫn đến mất toàn bộ hoặc mất một phần nhận thức và hành vi của mình đối với xã hội hoặc với các mối quan hệ xã hội của mình. Hành vi này có thể do lỗi khách quan hoặc do lỗi chủ quan tác động đến cá nhân đó. Tuy nhiên, hành vi này khi xâm phạm đến những quan hệ xã hội khác hoặc gây ảnh hướng đến trật tự xã hội thì sẽ bị xử phạt nghiêm theo quy định pháp luật.

Quy định tại Điều 13 Bộ luật Hình sự năm 2015 không loại trừ trách nhiệm cho người phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác. Nghĩa là những người này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự nếu trong trường hợp khi phạm tội hạn chế hoặc mất năng lực hành vi do việc dùng rượu, bia hoặc chất kích thích khác.

Rượu bia hay các chất kích thích mạnh khác là các chất làm tăng hệ thống thần kinh trung ương vào cơ thể, tạo cảm giác đê mê, hoặc có tác dụng lên thần kinh giao cảm (tạo cảm giác khoái lạc) cho cơ thể. Thực tế những người phạm tội do sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích mạnh khác hoàn toàn có đầy đủ năng lực nhận thức năng lực hành vi của mình. Tuy nhiên, chính họ tự đặt mình vào trạng thái mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, đây cũng chỉ là trạng thái tạm thời, không phải một loại bệnh do cơ sở y tế xác nhận và người phạm tội hoàn toàn ý thức được điều này. Hơn nữa, say rượu bia, chất kích thích mạnh là một thói quen xấu trong xã hội, việc người phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự khi rơi vào trạng thái đó thể hiện sự nghiêm khắc của pháp luật đối với hành vi này. Để hạn chế việc sử dụng rượu, bia, Nhà nước đã ban hành Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia năm 2019 cũng như hoàng loạt nghị định xử phạt đối với người sử dụng rươu, bia khi tham gia giao thông, hay trong giờ làm việc, khuôn viên cơ quan.

Bộ luật Hình sự đã sửa tên của điều luật từ: ”Phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác” tại Điều 14 Bộ luật Hình sự năm 1999 thành “Phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác” tại Điều 13 Bộ luật Hình sự năm 2015 và sửa quy định “Người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác…” tại Điều 14 Bộ luật Hình sự năm 1999 bằng quy định “Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia…”.

Việc sửa đổi này đảm bảo tính chính xác của luật bởi khái niệm “tình trạng say” là không rõ ràng hơn nữa không chỉ khi bị say người ta mới bị hạn chế hoặc mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi của mình. Đồng thời luật cũng quy định mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Việc quy định người mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác phải chịu trách nhiệm hình sự được lý giải với nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng điểm chung đều thống nhất là người đó có lỗi đối với tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình (do chủ quan) chứ không phải (do khách quan) là bị mắc bệnh tâm thần hay một bệnh khác theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đối với trường hợp không có lỗi đối với việc dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác như say rượu bệnh lý hoặc do bị mắc lừa mà dùng nhầm chất kích thích mạnh (ma túy), hay bị cưỡng bức thân thể dùng ma túy thì chủ thể không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội đã thực hiện trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

Phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác không những phải chịu trách nhiệm hình sự mà trong trường hợp nhất định phải chịu trách nhiệm hình sự nặng hơn so với trường hợp bình thường. Đó là những trường hợp khi thực hiện một số công việc do tính chất đặc biệt, luật cấm người thực hiện công việc đó sử dụng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác như việc điều khiển ô tô, tàu thủy, tàu bay, tàu hỏa (xem bình luận các Điều 260, 267, 272 Bộ luật Hình sự năm 2015).

Phạm tội khi đang trong trạng thái say rượu, bia, chất kích thích có được xem là tình tiết giảm nhẹ không?

Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự” tại Điều 13, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Người say (có thể do uống rượu hoặc do dùng các chất kích thích mạnh khác như ma túy...) thường bị mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi ở các mức độ khác nhau: Có người mất hoàn toàn khả năng, có người mất một phần khả năng đã dẫn đến việc điều khiển hành vi không chính xác, nhưng việc họ bị mất hoặc bị hạn chế khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi là do tự họ gây nên, họ tự nguyện tước bỏ hoặc họ tự đặt mình vào tình trạng không thể nhận thức điều khiển hành vi của mình, cho nên họ được coi là người có lỗi đối với tình trạng say của mình và họ vẫn được coi là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự khi họ thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy, phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác không được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

So với quy định về "Người có khó khăn trong nhận thức, hành vi" theo quy định tại Điều 23 của Bộ luật Dân sự năm 2015 được hiểu: chủ thể do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức và khả năng làm chủ hành vi của mình, tuy nhiên trường hợp này được hiểu là do tình trạng khách quan của một người. Còn đối với hành vi phạm tội do sử dụng bia, rượu, chất kích thích khác là do chủ thể đó thực hiện do ý chí chủ quan của bản thân. Họ nhận thức được tác hại và những rủi ro xảy ra của các chất này nếu như lạm dụng quá mức nhưng họ vẫn đưa những chất kích thích này vào cơ thể, đôi khi là "cố ý" sử dụng các chất này để thực hiện hành vi phạm tội của mình một cách dứt khoát hơn.

Theo đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người say rượu, bia, chất kích thích khác phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Quy định này đúng đắn ở điểm: nếu đây được xem là tình tiết giảm nhẹ do con người rơi vào trạng thái không làm chủ được nhận thức và hành vi thì nhiều đối tượng sẽ lợi dụng vào quy định này để phạm tội hoặc cố tình phạm tội do tự tin phạm tội trong trạng thái này sẽ được giảm nhẹ tội. Bên cạnh đó, Điều 51 quy định về Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của Luật này không có đề cập đến giảm nhẹ đối với hành vi phạm tội trong trường hợp sử dụng rượu, bia. Bộ luật Hình sự năm 2015 chỉ quy định miễn trách nhiệm hình sự cho người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh tâm thần, mắc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi.

Như vậy, phạm tội trong tình trạng say rượu, bia hoặc sử dụng các chất khích thích khác làm ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và năng lực hành vi thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.

Phạm tội khi đang trong trạng thái say rượu, bia hoặc các chất kích thích khác có được xem là tình tiết tăng nặng không?

Việc phạm tội trong trạng thái đã sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích khác không được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên cần nhìn nhận rõ, nếu chủ thể sử dụng những chất nói trên mà rơi vào trạng thái mất hoàn toàn nhận thức và không còn khả năng hành vi khác với hành vi sử dụng các chất kích thích dẫn đến mất một phần nhận thức và năng lực hành vi hoặc cố tình dựa vào những đặc điểm đó để phạm tội, gây đe dọa đến những quan hệ xã hội khác. Như vậy, phạm tội trong trạng thái sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích khác có thể được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Một số trường hợp phạm tội trong tình trạng có sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau:

Những quy định tại Điều 260, Điều 267, Điều 272 Bộ luật Hình sự năm 2015 là quy định chung cho việc đối tượng tham gia giao thông vi phạm quy định, nghĩa là bao gồm người vi phạm trong tình trạng bình thường, đủ năng lực nhận thức và năng lực hành vi lẫn người vi phạm trong tình trạng có sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích khác. Tuy nhiên, tại các điều nêu trên quy định đối với người phạm tội trong trạng thái bình thường đối với vi phạm giao thông "đường bộ" hoặc vi phạm giao thông "đường thủy" thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng và đối với vi phạm "đường sắt" là từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, trường hợp gây tai nạn nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Còn đối với trường hợp người phạm tội trong trạng thái sử dụng rượu, bia hoặc chất kích thích khác thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm, trường hợp nếu gây ra tai nạn nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng có thể phạt tù từ 07 năm đến 15 năm và bồi thường tùy theo quy định pháp luật. 

Từ quy định trên có thể thấy hành vi phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác không được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự do hành vi này là chủ thể phạm tội tự đặt bản thân vào tình trạng say xỉn hoặc mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi. Mặt khác khi phạm tội trong tình trạng này còn bị xử phạt nặng hơn so với quy định khung hình phạt thông thường.

Điều 13. Phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác

Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338

Tags
Phạm tội do dùng rượu bia hoặc chất kích thích mạnh khác Phạm tội do dùng rượu bia Phạm tội do dùng chất kích thích Rượu bia Chất kích thích Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng điều khiển hành vi Tình trạng mất khả năng nhận thức Tình trạng mất khả năng điều khiển hành vi Sử dụng rượu bia có là tình tiết giảm nhẹ Sử dụng rượu bia có là tình tiết tăng nặng Sử dụng chất kích thích mạnh có là tình tiết giảm nhẹ Sử dụng chất kích thích mạnh có là tình tiết tăng nặng Vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự Trách nhiệm hình sự Luật phòng chống tác hại của rượu bia Điều 13 Bộ luật hình sự năm 2015 Dịch vụ luật sư Dịch vụ pháp lý Đoàn luật sư Hà Nội Liên đoàn luật sư Việt Nam luật sư Đồng luật sư nguyễn văn đồng luật sư khuyên luật sư hà thị khuyên Nhân chính Nhanchinh.vn Luật Nhân Chính Văn phòng Luật sư Nhân Chính Tư vấn luật Tư vấn pháp luật Tìm luật sư giỏi luật sư luật sư giỏi Luật sư tại Hà Nội Luật sư uy tín Luật sư Quận Thanh Xuân Luật sư Hà Nội luật sư việt nam luật sư tranh tụng Luật sư tố tụng Luật sư tư vấn Luật sư giải quyết tranh chấp luật sư bào chữa Luật sư hình sự Luật sư dân sự Luật sư giải quyết án hành chính Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp Luật sư đất đai Luật sư tư vấn đất đai Luật sư nhà đất Luật sư thừa kế Luật sư Ly hôn Luật sư hôn nhân và gia đình Luật sư thu hồi nợ Luật sư kinh doanh thương mại Luật sư doanh nghiệp Luật sư sở hữu trí tuệ luật sư lao động Luật sư nổi tiếng Luật sư hòa giải luật sư đối thoại Văn phòng luật Văn phòng luật sư Văn phòng luật sư uy tín Văn phòng luật sư gần nhất Văn phòng luật sư Hà Nội Văn phòng luật sư uy tín tại Hà Nội Công ty luật Tổ chức hành nghề luật sư 0983951338 0936683699