Language:
Quy định về thời hạn, thời điểm tính thời hạn (Điều 146)
28/03/2023
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

 

Hiện tại, theo quy định hiện hành tại Việt Nam thì thời hạn được quy định cụa thể tại Bộ luật Dân sự năm 2015  Theo quy định tại Điều 144 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thời hạn là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác. Thời hạn có thể được xác định bằng phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm hoặc bằng một sự kiện có thể sẽ xảy ra. Trong thực tiễn, thời hạn luôn gắn với một quan hệ pháp luật cụ thể, mà tương ứng với khoản thời gian này sẽ có một chủ thể mang một hoặc một số nghĩa vụ nhất định. Và tương ứng cũng có những chủ thể có những quyền lợi do chủ thể kia mang lại. Trong khoảng thời gian này, có những quy định hay các thỏa thuận sẽ làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt một quan hệ pháp luật nhất định.

 

Thời điểm tính thời hạn được quy định tại Điều 146 Bộ luật Dân sự năm 2015, trường hợp các bên có thỏa thuận về thời hạn là một năm, nửa năm, một tháng, nửa tháng, một tuần, một ngày, một giờ, một phút mà khoảng thời gian diễn ra không liền nhau thì thời hạn đó được tính như sau: Một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày; Nửa năm là sáu tháng; Một tháng là ba mươi ngày; Nửa tháng là mười lăm ngày; Một tuần là bảy ngày; Một ngày là hai mươi tư giờ; Một giờ là sáu mươi phút; Một phút là sáu mươi giây.

 

Trường hợp các bên thỏa thuận về thời điểm đầu tháng, giữa tháng, cuối tháng thì thời điểm đó được quy định như sau: Đầu tháng là ngày đầu tiên của tháng; Giữa tháng là ngày thứ mười lăm của tháng; Cuối tháng là ngày cuối cùng của tháng.

 

Trường hợp các bên thỏa thuận về thời điểm đầu năm, giữa năm, cuối năm thì thời điểm đó được quy định như sau: Đầu năm là ngày đầu tiên của tháng một; Giữa năm là ngày cuối cùng của tháng sáu; Cuối năm là ngày cuối cùng của tháng mười hai.

 

Nếu các bên thỏa thuận về thời hạn và khoảng thời gian không liền nhau thì có thể cộng dồn thời gian cho đủ với thời gian đã được thỏa thuận.

 

Nếu các bên thỏa thuận về thời hạn mà khoản thời gian liền nhau thì thời hạn được tính từ thời điểm bắt đầu cho đến kết thúc của thời hạn. Thời điểm bắt đầu thời hạn được xác định như sau: Khi thời hạn được xác định bằng phút, giờ thì thời hạn được bắt đầu từ thời điểm đã xác định; Khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định. Khi thời hạn bắt đầu bằng một sự kiện thì ngày xảy ra sự kiện không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề của ngày xảy ra sự kiện đó theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Dân sự năm 2015.

 

Thời điểm kết thúc thời hạn là thời điểm cuối cùng của thời hạn. Khi thời hạn tính bằng ngày thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn. Khi thời hạn tính bằng tuần thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tuần cuối cùng của thời hạn. Khi ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó. Thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn vào lúc hai mươi tư giờ của ngày đó theo quy định tại Điều 148 Bộ luật Dân sự năm 2015.

 

Thời hạn và việc xác định thời hạn đã được quy định cụ thể tại Bộ luật Dân sự năm 2015 chính là căn cứ để các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự thuận thiện khi thỏa thuận, giúp phòng tránh xảy ra tranh chấp không đáng có, đây còn là căn cứ để xác định khi có tranh chấp xảy ra. 

 

Điều 146. Quy định về thời hạn, thời điểm tính thời hạn

1. Trường hợp các bên có thỏa thuận về thời hạn là một năm, nửa năm, một tháng, nửa tháng, một tuần, một ngày, một giờ, một phút mà khoảng thời gian diễn ra không liền nhau thì thời hạn đó được tính như sau:

a) Một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày;

b) Nửa năm là sáu tháng;

c) Một tháng là ba mươi ngày;

d) Nửa tháng là mười lăm ngày;

đ) Một tuần là bảy ngày;

e) Một ngày là hai mươi tư giờ;

g) Một giờ là sáu mươi phút;

h) Một phút là sáu mươi giây.

2. Trường hợp các bên thỏa thuận về thời điểm đầu tháng, giữa tháng, cuối tháng thì thời điểm đó được quy định như sau:

a) Đầu tháng là ngày đầu tiên của tháng;

b) Giữa tháng là ngày thứ mười lăm của tháng;

c) Cuối tháng là ngày cuối cùng của tháng.

3. Trường hợp các bên thỏa thuận về thời điểm đầu năm, giữa năm, cuối năm thì thời điểm đó được quy định như sau:

a) Đầu năm là ngày đầu tiên của tháng một;

b) Giữa năm là ngày cuối cùng của tháng sáu;

c) Cuối năm là ngày cuối cùng của tháng mười hai.

 

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338