Hiện nay có nhiều lý do khác nhau mà một cá nhân hay pháp nhân không thể tham gia các quan hệ dân sự mà họ phải nhờ người khác giúp mình thể hiện ý chí và nguyện vọng với chủ thể khác. Để giúp cho các giao dịch dân sự diễn ra bình thường pháp luật cho phép hình thành hợp đồng ủy quyền giữa bên ủy quyền và bên dược ủy quyền, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Theo quy định pháp luật thì hợp đồng ủy quyền làm phát sinh hai mối quan hệ pháp lý cùng tồn tại song song với nhau, đó là (1) quan hệ giữa người ủy quyền và người được ủy quyền; trong quan hệ này, bên được ủy quyền thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền trong phạm vi thẩm quyền theo các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định; (2) quan hệ giữa người được ủy quyền và người thứ ba; người thứ ba là người xác lập giao dịch dân sự với người được ủy quyền; bên được ủy quyền nhân danh bên ủy quyền tham gia xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với bên thứ ba. Bên được ủy quyền có quyền và nghĩa vụ nhất định với người thứ ba của giao dịch. Mục đích của việc ủy quyền là giúp thực hiện công việc của bên ủy quyền. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó mà bên được ủy quyền không thể thực hiện được công việc đã được giao phó. Trong trường hợp đó, pháp luật cho phép bên bên được ủy quyền được ủy quyền lại cho người khác.
Tại Điều 566 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền của bên được ủy quyền. Theo đó, bên được ủy quyền có quyền: Yêu cầu bên ủy quyền cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để thực hiện công việc ủy quyền; được thanh toán chi phí hợp lý mà mình đã bỏ ra để thực hiện công việc ủy quyền; hưởng thù lao, nếu có thỏa thuận. Cụ thể:
Yêu cầu bên ủy quyền cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để thực hiện công việc ủy quyền, bên ủy quyền chuyển giao cho bên được ủy quyền những tài liệu, phương tiện có liên quan; bên được ủy quyền được sử dụng những tài liệu, phương tiện do bên ủy quyền cung cấp vào việc hoàn thành công việc ủy quyền. Có những công việc ủy quyền không thể thực hiện được nếu không có tài liệu, phương tiện cần thiết, nên bên được ủy quyền có quyền yêu cầu bên ủy quyền chuyển giao cho mình tài sản liên quan để thực hiện công việc ủy quyền.
Được thanh toán chi phí hợp lý đã bỏ ra để thực hiện công việc và hưởng thù lao nếu có thỏa thuận, bên ủy quyền có nghĩa vụ thanh toán những chi phí cần thiết để hoàn thành công việc, vì bên được ủy quyền là chủ thể trực tiếp thực hiện công việc, nên họ đã thanh toán những chi phí phát sinh để hoàn thành công việc; nếu hợp đồng ủy quyền là hợp đồng có đền bù thì bên được ủy quyền còn có quyền yêu cầu bên ủy quyền thanh toán thù lao theo thỏa thuận. Trường hợp bên được ủy quyền không nhận thù lao thì hợp đồng ủy quyền là hợp đồng không có đền bù; hợp đồng ủy quyền không có đền bù diễn ra giữ các chủ thể là cá nhân với nhau, hoạt động ủy quyền chỉ mang tính chất tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong trường hợp cần thiết. Ngược lại, nếu bên được ủy quyền nhận thù lao thì hợp đồng ủy quyền là hợp đồng có đền bù; bên được ủy quyền sau khi hoàn thành nghĩa vụ do bên ủy quyền giao thì sẽ nhận được một khoản tiền công theo thỏa thuận hoặc theo pháp luật quy định, thù lao cho việc ủy quyền phụ được xác định dựa trên loại công việc ủy quyền, thời hạn ủy quyền.
Điều 566. Quyền của bên được ủy quyền
1. Yêu cầu bên ủy quyền cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để thực hiện công việc ủy quyền.
2. Được thanh toán chi phí hợp lý mà mình đã bỏ ra để thực hiện công việc ủy quyền; hưởng thù lao, nếu có thỏa thuận.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338