Hợp đồng gia công là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên nhận gia công thực hiện công việc để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công, bên đặt gia công nhận sản phẩm và trả tiền công.
Hiện nay hợp đồng gia công có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ sản xuất hàng hóa đến dịch vụ. Điều quan trọng là các bên tham gia phải có sự thống nhất về các điều khoản và điều kiện của hợp đồng để đảm bảo tính minh bạch và tránh tranh chấp. Các yếu tố quan trọng trong hợp đồng gia công bao gồm quyền và nghĩa vụ của các bên, thời gian và phạm vi thực hiện công việc, giá trị và phương thức thanh toán, bảo mật thông tin và quản lý rủi ro. Khi tham gia vào một hợp đồng gia công, các bên cần xem xét kỹ lưỡng các điều khoản và điều kiện, đảm bảo rằng các quy định pháp luật liên quan được tuân thủ đúng mực. Việc lựa chọn đối tác gia công đáng tin cậy và có kinh nghiệm cũng là một yếu tố quan trọng để đảm bảo chất lượng và hiệu suất của quá trình gia công.
Thanh lý hợp đồng là biên bản ghi nhận sự chấm dứt, hoàn tất công việc được hai bên xác nhận sau quá trình làm một việc nhất định về chất lượng, số lượng của công việc được sự thống nhất của hai bên. Thanh lý hợp đồng gia công là hoạt động các bên hoàn tất các thủ tục hoàn tất việc kết thúc hợp đồng, chấm dứt sự ràng buộc với nhau. Biên bản thanh lý hợp đồng gia công là văn bản được lập ra khi các bên của hợp đồng gia công thực hiện thủ tục thanh lý hợp đồng; việc lập biên bản thanh lý hợp đồng gia công giúp ghi lại quá trình các bên thực hiện thủ tục thanh lý hợp đồng gia công, biên bản này chính là căn cứ phòng những tranh chấp không đáng có giữa các bên sau này.
Tại Điều 553 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thanh lý nguyên vật liệu. Theo đó, khi hợp đồng gia công chấm dứt, bên nhận gia công phải hoàn trả nguyên vật liệu còn lại cho bên đặt gia công, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trên thực tế và kể cả theo quy định pháp luật thì việc thanh lý nguyên vật liệu chỉ diễn ra khi hợp đồng gia công chấm dứt, điều này đồng nghĩa với việc dù hợp đồng có được hoàn thành hay không thì chỉ cần hợp đồng chấm dứt hiệu lực pháp luật thì sẽ làm phát sinh nghĩa vụ này.
Khoản 6 Điều 546 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ của bên gia công có ghi nhận nghĩa vụ hoàn trả nguyên vật liệu khi hợp đồng hoàn thành. Theo đó, nghĩa vụ của bên gia công phải hoàn trả nguyên vật liệu còn lại cho bên đặt gia công sau khi hợp đồng hoàn thành. Song nghĩa vụ hoàn trả nguyên vật liệu của bên gia công quy định tại Điều 546 Bộ luật Dân sự chỉ phát sinh khi hợp đồng hoàn thành; còn nghĩa vụ hoàn trả quy định tại Điều 553 Bộ luật Dân sự chỉ phát sinh khi hợp đồng chấm dứt. Vì thế nghĩa vụ hoàn trả nguyên vật liệu quy định tại Điều 553 Bộ luật Dân sự rộng hơn quy định tại Điều 546 Bộ luật Dân sự.
Trên thực tế hiện nay tồn tại rất nhiều trường hợp làm chấm dứt hợp đồng theo quy định tại Điều 422 Bộ luật Dân sự năm 2015 trong đó có cả trường hợp hoàn thành hợp đồng. Vì thế nghĩa vụ thanh lý nguyên vật liệu trong hợp đồng gia công phát sinh trong các trường hợp hợp đồng bị chấm dứt theo quy định tại Điều 422 Bộ luật Dân sự; trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác về việc xử lý nguyên vật liệu còn lại khi hợp đồng chấm dứt thì ưu tiên áp dụng thỏa thuận của các bên.
Điều 553. Thanh lý nguyên vật liệu
Khi hợp đồng gia công chấm dứt, bên nhận gia công phải hoàn trả nguyên vật liệu còn lại cho bên đặt gia công, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338