Theo quy định pháp luật thì rủi ro trong hợp đồng mua bán là những mất mát, hư hỏng xảy ra đối với hàng hóa. Rủi ro đó có thể do lỗi chủ quan của con người hoặc do các hiện tượng khách quan gây nên (do thời tiết, do tai nạn bất ngờ, do tính chất của hàng hóa…). Những rủi ro đó có thể gây ra thiệt hại lớn cho một hoặc các bên, do đó khi giao kết hợp đồng các bên cần phải lưu ý kỹ đến điều khoản chuyển rủi ro này.
Tại Điều 441 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thời điểm chịu rủi ro. Theo đó, bên bán chịu rủi ro đối với tài sản trước khi tài sản được giao cho bên mua, bên mua chịu rủi ro đối với tài sản kể từ thời điểm nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Đối với hợp đồng mua bán tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải đăng ký quyền sở hữu thì bên bán chịu rủi ro cho đến khi hoàn thành thủ tục đăng ký, bên mua chịu rủi ro kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
(1) Đối với tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu, đối với tài sản không cần đăng ký quyền sở hữu thì thời điểm để phân định trách nhiệm giữa bên mua và bên bán trong hợp đồng được xác định dựa trên cơ sở thời điểm giao nhận tài sản. Cụ thể: bên bán sẽ chịu rủi ro về tài sản trước khi tài sản được giao cho bên mua; còn bên mua thì chịu rủi ro đối với tài sản kể từ thời điểm nhận tài sản.
(2) Đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, pháp luật quy định về một số tài sản phải đăng ký quyền sở hữu như nhà, đất, xe ôtô, xe máy, tàu bay, tàu biển. Khi chuyển giao tài sản phải đăng ký quyền sở hữu thì phải chuyển giao cả quyền sở hữu đối với tài sản đó, tức bên mua phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định pháp luật. Vì vậy việc phân định trách nhiệm chịu rủi ro giữa bên mua và bên bán không dựa vào thời điểm giao nhận tài sản, mà dựa trên thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký sở hữu tài sản. Cụ thể bên bán chịu rủi ro cho đến khi hoàn thành thủ tục đăng ký, còn bên mua chịu rủi ro kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký. Có thể thấy thời điểm chịu rủi ro chính là thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với tài sản. Điều này là hoàn toàn phù hợp, bởi theo nguyên tắc chung chủ sở hữu phải chịu rủi ro đối với tài sản thuộc sở hữu của mình. Do đó, dù là tài sản phải đăng ký hay không đăng ký thì thời điểm mà bên mua phải chịu rủi ro về tài sản được tính kể từ thời điểm họ trở thành chủ sở hữu hợp pháp của tài sản.
Thời điểm chịu rủi ro đối với tài sản phải đăng ký hoặc không phải đăng ký được xác lập theo quy định trên. Tuy nhiên hợp đồng được xây dựng dựa trên cơ sở tự do, tự nguyện thỏa thuận, chính vì vậy, nếu các bên có thỏa thuận khác về thời điểm chịu rủi ro thì vẫn được pháp luật công nhận và bảo vệ. Bên canh đó hợp đồng mua bán tài sản có đối tượng rất rộng và phong phú, có nhiều đối tượng được điều chỉnh bằng luật chuyên ngành khác nhau, vì vậy nếu luật chuyên ngành có quy định về thời hạn chịu rủi ro thì phải tuân theo quy định của luật chuyên ngành.
Điều 441. Thời điểm chịu rủi ro
1. Bên bán chịu rủi ro đối với tài sản trước khi tài sản được giao cho bên mua, bên mua chịu rủi ro đối với tài sản kể từ thời điểm nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
2. Đối với hợp đồng mua bán tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải đăng ký quyền sở hữu thì bên bán chịu rủi ro cho đến khi hoàn thành thủ tục đăng ký, bên mua chịu rủi ro kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338