Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội; vật thuộc loại Nhà nước cấm tàng trữ, cấm lưu hành. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích về quy định "Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm" tại Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định các đối tượng bị tịch thu và mục đích tịch thu các đối tượng này. Đây là biện pháp tư pháp được cơ quan tiến hành tố tụng hình sự áp dụng đối với người phạm tội để hỗ trợ hoặc thay thế hình phạt (nếu được miễn trách nhiệm hình sự hoặc hình phạt), góp phần phòng ngừa tội phạm.
Khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015 xác định 03 nhóm đối tượng bị tịch thu và 02 mục đích của tịch thu. Đó là mục đích sung vào ngân sách nhà nước hoặc mục đích tiêu hủy. Trước hết, các đối tượng bị tịch thu gồm:
(1) Công cụ, phương tiện dùng vào việc thực hiện tội phạm:
Những đối tượng này với tính chất là vật chứng trong vụ án hình sự, có thể thuộc sở hữu của người phạm tội và đã được người đó sử dụng làm công cụ hoặc phương tiện để thực hiện tội phạm, đó có thể là vũ khí, hung khí được sử dụng để thực hiện tội xâm hại tính mạng, sức khỏe của người khác; là xe máy, ô tô, tàu, thuyền được sử dụng để thực hiện tội buôn lậu, buôn bán hàng cấm, vận chuyển ma túy, v.v. hoặc là tiền, tài sản được xác định là của hối lộ…
Đối với các vật chứng này, việc tịch thu có thể để sung ngân sách nhà nước hoặc để tiêu hủy: Nếu vật chứng là tiền hoặc tài sản thì bị tịch thu sung ngân sách nhà nước; Nếu vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu huỷ.
Điều luật không xác định rõ, công cụ, phương tiện được dùng vào việc thực hiện tội phạm gì? Tội cố ý hay tội vô ý. Tuy nhiên, có thể hiểu việc tịch thu công cụ, phương tiện chỉ đặt ra đối với tội cố ý. Đối với các tội vô ý, như các tội vô ý xâm phạm an toàn giao thông thì việc tịch thu phương tiện phạm tội không được đặt ra.
(2) Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội:
- Vật hoặc tiền do phạm tội mà có là vật, tiền mà người phạm tội có được là do thực hiện tội phạm như vật hoặc tiền do phạm tội nhận hối lộ mà có…
- Vật hoặc tiền do mua bán, đổi chác những thứ do phạm tội mà có là vật, tiền có nguồn gốc từ các vật, tiền do phạm tội mà có như vật (nhà, ôtô…) được mua từ tiền nhận hối lộ hoặc tiền do bán vật là của hối lộ đã nhận...
- Khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội như các khoản thu lợi bất chính từ việc phạm một số tội trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thương mại, trong lĩnh vực chứng khoán hoặc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông…
(3) Vật thuộc loại Nhà nước cấm tàng trữ, cấm lưu hành:
Đó là những vật mà việc tàng trữ, lưu hành bị cấm như chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, vũ khí quân dụng, các chất ma túy, văn hóa phẩm đồi trụy...
Khoản 2 Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định những trường hợp không được tích thu. Đó là vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép. Những đối tượng này được trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp sau khi xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.
Khoản 3 Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định trường hợp vật, tiền tuy là tài sản của người khác nhưng vẫn có thể bị tịch thu. Đó là trường hợp chủ tài sản có lỗi trong việc để người phạm tội sử dụng tài sản đó vào việc thực hiện tội phạm. Trong trường hợp này, tài sản vẫn có thể bị tịch thu. Ở đây, điều luật không quy định rõ lỗi của người chủ tài sản trong việc để người phạm tội sử dụng tài sản vào việc phạm tội. Do vậy cần phân biệt 02 trường hợp:
- Nếu chủ tài sản cố ý để người phạm tội sử dụng vật, tiền của mình thực hiện tội phạm thì vật, tiền đó phải bị tịch thu và bản thân người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò là người giúp sức.
- Nếu chủ tài sản chỉ vô ý để người phạm tội sử dụng vật, tiên của mình cho việc thực hiện tội phạm thì việc tịch thu thuộc quyền quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự. Một trong những căn cứ cho việc quyết định tịch thu là mức độ lỗi của chủ tài sản.
Qua thực tiễn xét xử cho thấy, Tòa án thường chỉ tịch thu tài sản của người khác khi người đó có lỗi cố ý để cho người phạm tội sử dụng tài sản của mình vào việc phạm tội.
Điều 47. Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm
1. Việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với:
a) Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội;
b) Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội;
c) Vật thuộc loại Nhà nước cấm tàng trữ, cấm lưu hành.
2. Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.
3. Vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338