Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ là hành vi xâm phạm chế độ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ được pháp luật bảo vệ. Tội phạm này xâm phạm nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, là một trong những nguyên tắc cơ bản của luật hôn nhân và gia đình, hành vi phạm tội đồng thời còn có thể là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng mâu thuẫn trong gia đình, thậm chí có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng khác (như dẫn đến hành vi tự sát của nạn nhân). Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành của Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện quy định tại Điều 181 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chủ thể của tội phạm:
Chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của tội phạm này, vì theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật Hình sự (không có tội phạm quy định tại Điều 181).
Khách thể của tội phạm:
Khách thể của Tội "Cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện" xâm phạm đến quan hệ hôn nhân tự do, tiến bộ. Các quan hệ này không chỉ được Hiến pháp, Luật Hôn nhân và Gia đình ghi nhận, mà trực tiếp xâm phạm đến quyền kết hôn, quyền ly hôn giữa nam và nữ.
Mặt chủ quan của tội phạm:
Người phạm tội thực hiện hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là “cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện” trái với sự tự nguyện của bị hại, thấy trước được hậu quả và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra. Đối với Tội "Cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện", người phạm tội bao giờ cũng mong muốn cho hậu quả xảy ra. Mục đích là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.
Mặt khách quan của tội phạm:
Hành vi nguy hiểm cho xã hội của loại tội phạm này là hành vi cưỡng ép người khác kết hôn, ly hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở người khác chấm dứt quan hệ hôn nhân của họ một cách tự nguyện.
Hành vi cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ là hành vi dùng các thủ đoạn khác nhau buộc người khác buộc phải lựa chọn việc lấy vợ, lấy chồng dù họ không muốn. Hành vi cản trở người khác kết hôn là hành vi ngăn cản việc kết hôn của một hoặc cả hai người thành vợ, thành chồng dù việc tiến tới hôn nhân không thuộc các điều kiện cấm kết hôn quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình. Hai loại hành vi này được thực hiện khi những người khác chưa thiết lập quan hệ hôn nhân.
Hành vi cản trở người khác duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện tiến bộ hoặc cưỡng ép người khác ly hôn tự nguyện là hành vi ngăn cản việc tiếp tục mối quan hệ vợ chồng được thiết lập sau khi kết hôn một cách hợp pháp buộc người khác phải ly hôn trái với nguyện vọng của họ khi họ không muốn chấm dứt quan hệ hôn nhân này. Hành vi cản trở người khác ly hôn tự nguyện là hành vi dùng các loại thủ đoạn khác nhau buộc người khác phải từ bỏ yêu cầu ly hôn mặc dù yêu cầu ly hôn xuất phát từ sự tự nguyện của họ một cách thuận tình giữa hai vợ chồng hoặc sự chủ động yêu cầu ly hôn của một bên vợ hoặc chồng khi họ mong muốn được ly hôn. Hành vi cản trở người khác duy trì mối quan hệ hôn nhân tự nguyện tiến bộ hoặc cưỡng ép người khác ly hôn tự nguyện được thực hiện khi những người khác đang tồn tại quan hệ hôn nhân.
Các thủ đoạn hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc thủ đoạn khác mà Điều 181 Bộ luật Hình sự năm 2015 đề cập được hiểu như sau:
Hành hạ là hành vi đối xử với người lệ thuộc mình dẫn tới những đau đớn về mặt thể chất như đánh đập, bỏ đói, bắt giữ, nhốt trói…
Ngược đãi là hành vi đối xử với người lệ thuộc mình dẫn tới những đau đớn về mặt tinh thần như mắng chửi, sỉ nhục hoặc hành vi khác làm người lệ thuộc cảm thấy nhục nhã, tủi hổ…
Uy hiếp tinh thần là hành vi đe dọa sẽ gây thiệt hại đến các quyền và lợi ích căn bản của người khác như dọa gây thương tích, gây thiệt hại về tài sản, nhân phẩm, danh dự, công danh sự nghiệp cho người định lấy làm vợ, làm chồng… Uy hiếp tinh thần cũng có thể bằng việc người phạm tội dùng chính tính mạng, sức khỏe của họ để đe dọa như tuyên bố sẽ tự sát, sẽ từ chối chữa bệnh để cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân, cản trở ly hôn.
Yêu sách về của cải là hành vi đòi hỏi việc kết hôn phải thỏa mãn những điều kiện về kinh tế một cách phi lý, người đưa ra yêu sách biết rõ điều kiện mình đưa ra vượt quá khả năng kinh tế của phía bên kia mà phía bên kia phải đáp ứng được mới cho phép kết hôn như thách cưới, đòi của hồi môn với giá trị lớn nhằm ngăn cản, chia rẽ hai bên tiến đến hôn nhân.
Thủ đoạn khác là những hành vi khác trái pháp luật nhằm mục đích cưỡng ép hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ.
Thực tế cho thấy để cưỡng ép hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, người phạm tội có thể sử dụng một trong những thủ đoạn trên hoặc không từ bất kỳ thủ đoạn nào để đạt được mục đích phạm tội. Việc phân định người phạm tội sử dụng thủ đoạn nào trong nhiều trường hợp cũng chỉ mang tính chất tương đối do thường gây ra cả những đau đớn cả về thể chất và tinh thần cho người bị cản trở, cưỡng ép.
Những hành vi nêu trên sẽ chỉ bị xử lý hình sự nếu trước đó đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi này. Mặt khác, một điểm cần lưu ý là những hành vi ngược đãi, hành hạ đã là thủ đoạn của tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện cho nên sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về tội hành hạ người khác (Điều 140) hay tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình.
Hình phạt:
Tội phạm này chỉ có một khung hình phạt: cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm. Quy định này là hoàn toàn hợp lý vì việc xử lý các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình không những phải tuân theo những nguyên tắc cơ bản của hình phạt và quyết định hình phạt, mà phải phù hợp với những đặc điểm của quan hệ gia đình và đạo đức xã hội, khi người phạm tội hầu hết là những bậc gia trưởng trong gia đình dòng họ, có công lao nhất định đối với việc sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục người bị cưỡng ép kết hôn hay cản trở hôn nhân, mặt khác, phải tính đến việc khôi phục những quan hệ tình cảm, những giá trị gia đình sau khi tội phạm thực hiện.
Điều 181. Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện
Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338